Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tướng đảo chính làm thủ tướng lâm thời Thái Lan

Tư lệnh Lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha sẽ tạm giữ chức thủ tướng từ hôm nay cho tới khi tìm được một nhân vật có thể đảm đương trách nhiệm này.

Hội đồng gìn giữ hòa bình và trật tự (NPOMC) - cơ quan được thành lập sau cuộc đảo chính quân sự tại Thái Lan - ra thông báo ngày 23/5 cho biết người đứng đầu chính quyền quân sự mới, Tư lệnh Lục quân, Tướng Prayut Chan-ocha, sẽ là thủ tướng tạm quyền.

Cùng ngày, hãng tin Reuters, Tướng Prayuth yêu cầu nữ thủ tướng bị lật đổ Yingluck Shinawatra và hơn 100 nhân vật có tiếng từ các phe cánh chính trị đối địch ở Thái Lan tới cuộc họp diễn ra lúc 10h sáng nay tại một doanh trại quân đội.

Trong một tuyên bố trên truyền hình, một người phát ngôn quân đội tuyên bố: "Chúng tôi yêu cầu họ tự ra trình diện với danh sách gồm 114 người được triệu tập tới một cơ sở quân sự ở thủ đô Bangkok".

Quân đội Thái Lan ở thủ đô Bangkok. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, nguồn tin của Reuters chưa thể xác nhận bà Yingluck có tham dự cuộc họp này hay không. Người ta cho rằng bà Yingluck đang ẩn náu ở phía bắc Thái Lan, khu vực được coi là thành trì của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh trai bà.

Hai tuần trước, Tòa án hiến pháp Thái Lan cáo buộc bà Yingluck Shinawatra vi hiến vì lạm quyền. Quyết định này đẩy bà khỏi vị trí quyền lực nhất trong chính phủ Thái Lan nhưng trên danh nghĩa, chính phủ lâm thời do bà lập nên vẫn nắm quyền điều hành đất nước, ngay cả khi quân đội Thái Lan tuyên bố thiết quân luật ngày 20/5.

Trên thực tế, cuộc họp với bà Yingluck có thể giúp Prayuth giành sự ủng hộ khi ông nắm giữ vị trí thủ tướng lâm thời, chèo lái đất nước thoát khỏi khủng hoảng đồng thời chống lại sự chỉ trích của quốc tế vì cuộc binh biến lần thứ 12 trong lịch sử đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết cuộc đảo chính không thể biện minh của Thái Lan có “tác động tiêu cực” cho mối quan hệ đồng minh giữa hai nước, đặc biệt trên phương diện quân sự. Ông Kerry cũng kêu gọi trả tự do cho các chính trị gia bị bắt giữ. Pháp, Liên minh châu Âu (EU), Cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc lên án cuộc đảo chính ở Thái Lan. Nhật Bản cho rằng đây là động thái đáng tiếc trong khi Australia bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ việc.

Phe Áo đỏ, những người ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin và Yingluck Shinawatra, tỏ ra thất vọng và tức giận vì hành động của quân đội nhưng khẳng định họ không tổ chức biểu tình ngay lập tức. Tuy nhiên, những cuộc biểu tình phản đối sẽ là phép thử đối với Tướng Prayuth. Năm 2010, 90 người, chủ yếu thuộc phe ủng hộ ông Thaksin, đã chết sau khi quân đội ngăn chặn cuộc biểu tình chống chính phủ.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm