Phi thuyền không người lái Mangalyaan của Ấn Độ rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan vào sáng 5/11 theo giờ địa phương và sẽ bay trong không gian khoảng 300 ngày trước khi tới quỹ đạo sao Hỏa vào năm 2014. Nhiều nhà phân tích nhận định rằng, với vụ phóng này, Ấn Độ đã chứng tỏ khả năng về công nghệ vũ trụ so với Trung Quốc, quốc gia láng giềng và cũng là một cường quốc vũ trụ ở châu Á.
Hình minh họa phi thuyền Mangalyaan của Ấn Độ bay quanh sao Hỏa vào năm 2014. Ảnh: BBC. |
China Daily bình luận rằng Trung Quốc và Ấn Độ phải hợp tác với nhau để thám hiểm vũ trụ, chứ không nên cạnh tranh với nhau.
Ye Hailin, một chuyên gia về Đông Á của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói với China Daily rằng vụ phóng tàu thăm dò sao Hỏa của Ấn Độ là một thành tựu vĩ đại và cả thế giới nên chúc mừng họ.
"Giống như người Trung Quốc, người dân Ấn Độ cũng có giấc mơ vũ trụ", Ye nói.
Một bài xã luận trên báo South China Morning Post lập luận rằng vụ phóng tàu thăm dò sao Hỏa cho thấy tiềm lực khoa học và phát triển của nước láng giềng.
"Trung Quốc chỉ có thể tạo ra và duy trì môi trường an ninh, thịnh vượng xung quanh lãnh thổ và vùng ảnh hưởng bằng cách kết hợp hiệu quả hơn lợi ích của chúng ta với lợi ích của các nước lân cận", bài xã luận khẳng định.
Trong một bài báo khác, South China Morning Post lo ngại cuộc đua không gian giữa Trung Quốc và Ấn Độ có thể khiến căng thẳng gia tăng trong khu vực.
"Chính phủ Trung Quốc đại lục và Ấn Độ không phải là hai chính quyền duy nhất tại châu Á muốn thám hiểm không gian. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang triển khai chương trình thám hiểm không gian với những công nghệ tiên tiến. Một quốc gia có thể hưởng vô số lợi ích từ hoạt động thám hiểm vũ trụ, song trong trường hợp của Ấn Độ và Trung Quốc, sự cạnh tranh có thể khiến tình trạng căng thẳng, chạy đua vũ trang và đối đầu trong khu vực tăng lên", bài báo dự đoán.
Vài tờ báo khác kêu gọi các nước láng giềng tránh ganh đua với Trung Quốc và nên tăng ngân sách cho các chương trình xã hội.
Global Times đặt câu hỏi về mức độ hợp lý của chương trình thám hiểm sao Hỏa mà Ấn Độ đang theo đuổi, trong bối cảnh hàng trăm triệu người Ấn vẫn chưa thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ.
"Chắc chắn nhiều người bên trong và bên ngoài Ấn Độ sẽ cảm thấy băn khoăn khi chính phủ chi hàng chục triệu USD cho một phi thuyền vượt vài trăm triệu km tới sao Hỏa chỉ để chụp mấy bức ảnh, trong khi hơn 350 triệu người dân đang cố gắng tồn tại với mức thu nhập dưới 1,25 USD mỗi ngày", tờ báo viết.
Tờ báo cũng chỉ ra những khó khăn mà phi thuyền Ấn Độ sắp đối mặt trong tương lai.
"Từ trước tới nay, chỉ Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu thám hiểm sao Hỏa thành công. Những nỗ lực của các nước khác - bao gồm Trung Quốc và Nhật Bản - đều thất bại. Rõ ràng mục tiêu của Ấn Độ là dẫn đầu châu Á trong hoạt động thám hiểm sao Hỏa", tờ báo kết luận.