Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Bắc Kinh thông báo bệnh nhân được xe cấp cứu đưa đến thủ đô sau 4 ngày xuất hiện các triệu chứng, Thời báo Hoàn cầu đưa tin.
Người này đến từ Thừa Đức ở tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc và sau đó đã được đưa đi cách ly, điều trị. Bệnh than có khả năng gây tử vong cao nếu không được điều trị đúng cách.
Bacillus anthracis, mầm bệnh gây ra bệnh than. Ảnh: CDC Trung Quốc. |
Nguyên nhân gây ra bệnh than là do người bệnh nhiễm phải vi khuẩn than Bacillus anthracis, từng được sử dụng như vũ khí sinh học vào thế kỷ 20.
Con người bị lây nhiễm bệnh than khi tiếp xúc với động vật hoặc sản phẩm từ động vật mang vi khuẩn Bacillus anthracist, đặc biệt phổ biến ở các loài gia súc ăn cỏ như trâu, bò, ngựa, cừu,...
Theo CDC Bắc Kinh, khoảng 95% trường hợp được báo cáo là bệnh than nhiễm qua da, gây phồng rộp và hoại tử da.
Nguy hiểm nhất là khi người bệnh mắc phải thể bệnh than nhiễm qua đường hô hấp. Khi bệnh nhân hít phải một số lượng bào tử Bacillus anthracis nhất định, chúng sẽ tiến sâu vào đường hô hấp và xâm nhập vào phổi. Tỷ lệ tử vong của bệnh này có thể lên đến 90% nếu không được điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, con người cũng có thể nhiễm bệnh qua đường tiêu hóa sau khi ăn thực phẩm ô nhiễm, thường là thịt gia súc mắc bệnh. Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.
Bệnh than có thể lây truyền trực tiếp giữa người với người nhưng tỷ lệ này rất hiếm, không giống như bệnh cúm hay Covid-19. Mầm bệnh Bacillus anthracis là một loại vi khuẩn và đã có nhiều loại thuốc kháng sinh điều trị hiệu quả.