Theo Tân Hoa Xã, đã vài tháng kể từ lần cuối cùng Lisa Siregar, nhân viên truyền thông 36 tuổi sống ở Jakarta, Indonesia, đến rạp xem một tác phẩm mới ra mắt.
Là người hâm mộ điện ảnh cuồng nhiệt và đảm nhận vai trò dẫn dắt chương trình podcast chia sẻ về những bộ phim mới nhất trên thế giới, nếu không có dịch Covid-19, Siregar sẽ xem 3 hoặc 4 phim chiếu rạp mỗi tuần.
Cô tâm sự: "Dù bây giờ đã chuyển sang nền tảng trực tuyến để thỏa mãn cơn khát phim mới, tôi vẫn rất nhớ màn ảnh rộng với chất lượng hình ảnh đẳng cấp và âm thanh vượt trội".
Thích nghi với đại dịch
Tờ Kompas nhận định chưa bao giờ ngành công nghiệp điện ảnh Indonesia lâm vào cảnh khốn đốn đến vậy. Báo cáo cho biết chuỗi cụm rạp lớn nhất Indonesia là CGV (gồm 68 rạp) đã tê liệt gần như hoàn toàn.
Do đó, để có chi phí trang trải tiền thuê mặt bằng, trả lương cho nhân viên, duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp là vấn đề nan giải của tất cả rạp lớn nhỏ.
Djonny Syarifuddin - người đứng đầu Hiệp hội Quản lý Điện ảnh Indonesia (GPBSI) - nói với Tân Hoa Xã: "Một rạp chiếu có thể mất hàng trăm triệu rupiah mỗi tháng (từ 7.000 USD trở lên)".
Marsya Gusman, giám đốc tiếp thị của CGV, cho biết vào năm ngoái công ty đạt doanh thu 255,84 tỷ rupiah (khoảng 17,52 triệu USD), nhưng đã giảm đáng kể 81,91% so với năm 2019.
Để tồn tại giữa đại dịch, CGV đã đổi mới bằng cách bán đồ ăn, thức uống mang đi. Người mua sẽ đặt hàng online qua website của rạp. Sự kết hợp từ khoai tây chiên, bánh hotdog và một chai soda size lớn trông vẫn hấp dẫn nếu không thể vào trong rạp xem phim.
"Bán thức ăn online không đủ lợi nhuận lấp đầy tất cả phí sinh hoạt lúc này, nhưng ít ra cũng đỡ đần phần nào, vẫn tốt hơn là không có gì cả", ông Gusman phát biểu.
Các rạp đóng cửa và phun khử khuẩn, chuyển sang bán thức ăn mang về để cầm cự qua mùa dịch. Ảnh: The Jakarta Post. |
Đối với rạp chiếu nhỏ chỉ 30 chỗ ngồi như Kinosaurus ở Jakarta, thời gian còn tồn tại của rạp là dấu hỏi lớn. Kinosaurus đã tuột dốc từ nhiều năm qua. Ngay đúng dịp kỷ niệm 6 năm thành lập hồi tháng 12/2020, trụ sở Kinosaurus đã phải dời sang nơi khác vì không đủ tiền thuê mặt bằng.
Từ tháng 2, Kinosaurus đổi mới kinh doanh bằng cách lập web xem phim trực tuyến. Người dùng chỉ cần mua vé 50.000 rupia (3,4 USD) để xem một phim, nhưng họ cần phải xem xong trong vòng 72 giờ sau lần nhấp chuột đầu tiên.
Alexander Matius - nhân viên phụ trách rạp Kinosaurus - nói: "Chúng tôi có hơn 100 người xem trong những tháng gần đây, giảm so với con số 500 người trong vài ngày trước đại dịch. Nhưng như vậy cũng quá tốt. Dù ở hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng tìm ra cách để tồn tại".
Phim chiếu rạp thoi thóp
Thủ đô Jakarta, Indonesia dự kiến dỡ bỏ các hạn chế trong những tuần tới khi số ca nhiễm Covid-19 đang giảm dần.
Theo The Jakarta Post, các trung tâm mua sắm, rạp phim ở Jakarta, Surabaya và 2 thành phố khác có thể mở cửa phục vụ trở lại. Điều kiện là những nhân viên đã được tiêm chủng ít nhất một liều.
Tuy nhiên, theo Tân Hoa Xã, ngay cả khi được phép hoạt động, rạp vẫn gặp khó khăn trong việc đưa phim mới lên sóng. Đa phần nhà sản xuất trì hoãn thời gian chiếu phim, trong khi số khác dần quen cách phát triển trên nền tảng trực tuyến.
Từ thực tế đó, doanh thu phòng vé tiếp tục là thách thức của điện ảnh. Các rạp có thể phục vụ không quá 25 hoặc 50% tổng công suất theo quy định. Nhưng vấn đề là mấy ai sẽ trở lại rạp khi đã quen xem online?.
Nguồn Tân Hoa Xã nhận định các rạp phim Indonesia sẽ khó lòng cạnh tranh với nền tảng OTT như Netflix, Disney+ hay HBO Max về độ phủ sóng trong thời điểm này.
Theo Kompas, những bộ phim điện ảnh chiếu trên OTT tăng doanh thu 26% năm 2020 ở Indonesia. Liên hoan phim Indonesia 2021 (FFI) cũng cân nhắc đưa phim chiếu online vào danh sách đề cử bởi sự phát triển lớn mạnh của nền tảng này.
Giới chuyên gia dự đoán xu hướng chiếu phim trực tuyến tiếp tục tăng vài năm mới. Về định giá, nó sẽ tăng gần gấp đôi, từ 46,4 tỷ USD (2019) lên 86,8 tỷ USD (2024).
A Perfect Fit là một trong những phim thịnh hành trên Netflix Indonesia kể từ tháng 7. Ảnh: Netflix. |
Với nhiều người, trải nghiệm xem phim trong rạp là không thể thay thế được. Rạp chiếu giống như cánh cửa dẫn đến một thế giới khác.
Alexander Matius nói: "Mọi người bước vào rạp chiếu phim với cảm xúc và suy nghĩ khác nhau. Một khi họ ngồi xuống trước màn hình lớn, họ sẽ đắm chìm vào bộ phim và khoảnh khắc. Bạn không thể mua được cảm giác đó khi ở nhà".
Tuy nhiên, họ phải chấp nhận sự thật là hình thức này đang thoi thóp.
Trong bài viết đăng trên Instagram, đạo diễn Hanung Bramantyo thừa nhận anh và tất cả người làm điện ảnh Indonesia đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan.
"Muốn mời mọi người xem phim trong rạp, nhưng lại không thể. Mỗi sáng thức dậy, chân tôi rất nặng nề", Hanung viết.
Trước đó, các nhà làm phim Indonesia đã gửi thư cho Tổng thống Joko Widodo, yêu cầu ông giúp vực dậy ngành công nghiệp điện ảnh. Nhưng Hanung Bramantyo cho rằng không thể dựa vào chính phủ để xử lý vấn đề này.
Người đàn ông nghiên cứu về thế giới điện ảnh tại Khoa Điện ảnh và Truyền hình của Viện Nghệ thuật Jakarta, nói: "Còn nhiều vấn đề về vaccine, lũ lụt cần được ưu tiên giải quyết trước".