Cuối tuần này, Thái Lan chào đón hơn 500 công ty Trung Quốc tới làm việc, lập nhà xưởng tại quốc gia này. Bangkok hiện mong chờ thêm nhiều hợp đồng hợp tác song phương kết nối Hành lang Kinh tế phía Đông của Thái Lan với sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc.
Động thái này xuất phát từ cuộc chiến tranh thương mại ngày càng nóng hơn giữa Bắc Kinh và Washington. Đầu tư và lập các nhà máy sản xuất tại Thái Lan giúp các doanh nghiệp tránh được các biện pháp thuế quan Mỹ vừa bổ sung đánh vào hàng hóa Trung Quốc.
500 doanh nghiệp Trung Quốc vào Thái Lan
Bộ trưởng Công nghiệp Thái Lan Uttama Savanayana cho biết các bản ghi nhớ hợp tác gần đây giữa 2 nước bao phủ nhiều lĩnh vực hoạt động, hứa hẹn biến Hành lang Kinh tế phía Đông của nước này trở thành trung tâm công nghiệp thế hệ mới. Thông qua hệ thống cơ sở hạ tầng Trung Quốc cung cấp, Bangkok kỳ vọng kết nối vùng Đông Bắc nghèo khó với các đặc khu kinh tế ở Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chanocha và đại diện Trung Quốc tham gia lễ khởi công dự án đường sắt cao tốc do Trung Quốc rót vốn. Ảnh: Reuters. |
"Các bản ghi nhớ sẽ giúp kết nối sản phẩm sản xuất tại vùng Đông Bắc với thị trường miền Nam Trung Quốc rộng lớn với số lượng người tiêu dùng khổng lồ", ông Uttama nói.
Bộ trưởng Thái Lan cho biết 17 bản ghi nhớ đã sẵn sàng được ký kết trong tuần tới, thuộc nhiều lĩnh vực như kinh tế điện tử, chuyển giao công nghệ, phát triển công nghệ thế hệ thứ 5 và công nghệ ôtô thế hệ kế tiếp.
Thái Lan kỳ vọng có thể thu hút vốn từ Trung Quốc đối với dự án đường sắt dài 1.500 km nối Bangkok với Côn Minh.
Giai đoạn đầu tiên của dự án này, dài 252,5 km từ Bangkok tới Nakhon Ratchasima, đã khởi công từ tháng 12/2017. Toàn bộ tuyến đường sắt từ thủ đô Thái Lan tới thành phố miền Nam Trung Quốc dự kiến hoàn thành năm 2023, giảm thời gian di chuyển từ Bangkok tới Côn Minh xuống chỉ còn 13-14 giờ đồng hồ.
Tuy nhiên, ông Uttama tuyên bố mời gọi nhà đầu tư Trung Quốc không có nghĩa Thái Lan sẽ bị lệ thuộc hoàn toàn vào người khổng lồ phía Bắc.
"Chúng tôi có hệ thống luật pháp minh bạch để quản lý Hành lang Kinh tế phía Đông, và nếu nhà đầu tư Trung Quốc không đáp ứng điều kiện của luật, họ sẽ không được đầu tư ở đó", ông Uttama khẳng định.
Trung Quốc hưởng lợi
Đối với Trung Quốc, kế hoạch đầu tư vào Thái Lan giúp các doanh nghiệp nước này giảm nhẹ tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại.
Các doanh nghiệp Trung Quốc có thể sản xuất nhiều mặt hàng tại quốc gia Đông Nam Á, thâm nhập vào thị trường Mỹ dễ dàng hơn các sản phẩm sản xuất nội địa.
Giai đoạn 1 đường sắt cao tốc nối Bangkok - Côn Minh đã khởi công từ tháng 12/2017. Ảnh: Asset. |
"Hành lang kinh tế này sẽ là trung tâm sản xuất tuyệt vời cho các ngành công nghiệp mới, mang lại lợi ích cho Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp nước ngoài khác. Họ sản xuất ở đây và (hàng hóa) có thể xâm nhập vào Mỹ cũng như các thị trường khác, cơ sở hạ tầng mới sẽ kết nối hành lang kinh tế với Vành đai, Con đường", quan chức này cho biết.
Đây là lần thứ 2 Thái Lan mở rộng cửa với các nhà đầu tư nước ngoài. Tháng 9/2017, Thái Lan đón 600 doanh nghiệp Nhật Bản tới Hành lang Kinh tế phía Đông, hy vọng có thể thu hút dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Phòng Ngoại thương Thái Lan kỳ vọng Thái Lan sẽ tiếp tục mở cửa hơn nữa đối với dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. "Đây không phải là lúc lo lắng về việc Trung Quốc có quá nhiều ảnh hưởng tại khu vực. "Vành đai, Con đường" có thể giúp tạo ra trung tâm sản xuất nhiều loại hàng hóa mới tại khu vực. Cơ hội này không chỉ dành cho Thái Lan, mà còn cho cả khu vực", Stanley Kang nói.
Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Thái Lan, sau Nhật Bản và Singapore. Trong năm 2017, tổng đầu tư từ Trung Quốc vào Thái Lan đạt 838 triệu USD. Tuy nhiên, Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Bangkok, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 73,7 tỷ USD trong năm 2017.