Tại buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin về dịch Covid-19 tại TP.HCM diễn ra chiều 19/7, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết tình hình mua sắm của người dân thành phố những ngày qua giảm rõ rệt.
Đặc biệt tại các điểm mua tại chợ truyền thống, Sở Công Thương ghi nhận lượng hàng hóa lẫn số lượng người mua đều giảm. Các chuyến hàng lưu động có trường hợp dư thừa, tồn và phải mang về.
44 chợ truyền thống mở cửa
Ông Phương cho biết đến chiều nay, thành phố có 44 chợ truyền thống mở cửa, cung ứng hàng hóa, thực phẩm cho người dân.
Bên cạnh đó, ông Phương cũng thừa nhận việc cung ứng hàng hóa về thành phố thời gian qua còn gặp khó khăn. Nguyên nhân là lực lượng triển khai đến các địa phương còn máy móc, cứng nhắc, gây ảnh hưởng việc thu mua, vận chuyển hàng hóa.
Sở Công Thương cho biết lượng người mua hàng hóa, thực phẩm ít biến động so với thời gian đầu áp dụng Chỉ thị 16. Ảnh: Phương Lâm. |
Trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành đều bị ảnh hưởng do giãn cách, ông Phương cho biết Sở Công Thương đang rà soát lại nguồn cung ứng và có báo cáo khó khăn cũng như khả năng ảnh hưởng tác động nguồn thu.
Sở Công Thương TP.HCM đã liên hệ Sở Công Thương các tỉnh, thành nhờ hỗ trợ, tìm nhà cung ứng có khả năng kết nối và đáp ứng nguồn hàng hóa cho thành phố.
"Với nỗ lực của hệ thống phân phối, mạng lưới thu mua, chúng tôi cũng vận động được nhiều đơn vị có năng lực, cơ sở vật chất, phương tiện tham gia kết nối doanh nghiệp nguồn cung hàng hóa để đưa hàng hóa về TP kịp thời", ông Phương nói.
Tại sao giá gạo tại TP.HCM tăng cao dù không thiếu gạo?
Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết thời gian qua, TP.HCM đã triển khai chương trình bình ổn thị trường và phát huy tác dụng rất cao vào một số thời điểm giá cả hàng hóa tăng đột biến.
Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương. Ảnh: HMC. |
Tuy nhiên, ông Phương thừa nhận có thời điểm giá gạo ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây tăng cao dù gạo không thiếu; hoặc có lúc mặt hàng trứng gia cầm cũng tăng rất cao.
"Tôi gọi điện ngay cho địa phương vùng nguyên liệu ở Đồng Tháp, Sóc Trăng, họ trả lời luôn là giá dưới đây đã cao lắm rồi. Tôi mới hiểu ra là giá cả này có sự liên thông và do thị trường quyết định. Khi thị trường TP.HCM giá cả tăng cao đột biến thì dứt khoát giá ở vùng nguyên liệu tăng đỉnh điểm", ông Phương chia sẻ.
Sở Công Thương TP.HCM nhận định không thiếu gạo mà giá cả vẫn tăng thì chỉ có một vấn đề là thông tin chưa chính xác. Ông Phương cho rằng với trữ lượng lúa gạo của Đồng bằng sông Cửu Long thì không thể thiếu gạo, vấn đề là hệ thống phân phối thời điểm đó "chưa phát huy được vai trò, chưa đáp ứng được yêu cầu".
Đến hôm nay, hệ thống phân phối đã được phát triển và tương đối đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Ông Phương khẳng định việc tăng giá những ngày vừa qua hoàn toàn không liên quan đến việc đầu cơ tích trữ mà là khó khăn và sự trục trặc của hệ thống phân phối do tình hình dịch bệnh.
Dù khó khăn, hệ thống phân phối hiện đại và doanh nghiệp bình ổn thị trường vẫn cố gắng giữ giá mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu theo đúng giá bình ổn thị trường, dẫn đến sự chênh lệch giữa giá trong siêu thị và bên ngoài. Do đó, có tình trạng người dân mua với số lượng lớn trong siêu thị rồi mang ra ngoài bán.
Sở Công Thương khẳng định TP.HCM không thiếu gạo. Ảnh: Phương Lâm. |
Theo ông Phương, thanh tra sở cùng các phòng chuyên môn đã tổ chức theo dõi, giám sát tình hình cung ứng hàng hóa tại các chuỗi cung ứng hiện đại. Ngày 20/7, sở sẽ cùng Cục Quản lý thị trường để tăng kiểm tra, kiểm soát, xử lý ngay trường hợp lợi dụng chênh lệch giá để gom hàng, nâng giá.
Chỉ thị 16 được áp dụng trên toàn TP.HCM trong 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7. Thời gian này, các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm, xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng công nghệ đều tạm dừng hoạt động. Các dịch vụ bán đồ ăn mang về cũng phải tạm ngưng.
TP.HCM đã chuẩn bị đủ hàng hóa để cung ứng cho người dân và đề nghị người dân không tích trữ lương thực, thực phẩm, gây tập trung đông người tại các điểm mua, bán nhu yếu phẩm.
Từ 27/4 đến trưa 19/7, TP.HCM ghi nhận 32.926 ca mắc Covid-19.