Ngày 14/2, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết Chính phủ đã bổ sung vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để tỉnh Sóc Trăng xây dựng cầu cảng dài 16 km vươn ra biển. Cầu cảng này nằm trong dự án cảng nước sâu thuộc huyện Trần Đề, đã được Trung ương phê duyệt.
Ngoài cảng biển nước sâu, tỉnh Sóc Trăng còn liên quan 2 dự án lớn đã được Chính phủ phê duyệt, đầu tư từ nguồn vốn Trung ương là cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc và cầu Đại Ngãi. Theo ông Trần Văn Lâu, 3 dự án lớn này kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, rất thuận lợi cho tỉnh Sóc Trăng phát triển.
“Nếu không có gì thay đổi, dịch bệnh được kiểm soát tốt thì dự kiến cuối năm 2022, đầu năm 2023, 3 dự án lớn này sẽ được khởi công", Chủ tịch Sóc Trăng nói.
Ông này cũng cho biết trục đường phát triển kinh tế đông - tây đã khởi công, kết nối từ Ngã Năm qua cầu Mỹ Thanh 2. Hiện nay, có một tập đoàn dự kiến phối hợp với Sóc Trăng làm trục đường tây bắc đi từ cầu Đại Ngãi đến cảng nước sâu và thị xã Vĩnh Châu.
Khu vực cảng biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Việt Tường. |
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu ký văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc đầu tư dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn đi qua địa phương này dài hơn 56 km.
Tuyến đường sẽ giúp tạo thuận lợi trong việc kêu gọi đầu tư cảng nước sâu Trần Đề, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. UBND tỉnh Sóc Trăng cam kết triển khai dự án đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ và chịu trách nhiệm trong quản lý, điều hành dự án.
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT), dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng mức đầu tư 44.300 tỷ đồng, dự kiến được đầu tư công trong giai đoạn 2023-2025.
Tuyến cao tốc này dài 188 km, bắt đầu từ tỉnh biên giới An Giang, đi qua thủ phủ của miền Tây là TP Cần Thơ, qua Hậu Giang và kết thúc ở cảng biển Trần Đề (Sóc Trăng). Trong đó, đoạn đi qua An Giang dài 56,74 km, Cần Thơ 37,77 km, Hậu Giang 37,02 km và Sóc Trăng 56,67 km.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được quy hoạch là tuyến giao thông trục ngang, kết nối các tỉnh phía tây và phía đông của Đồng bằng sông Cửu Long. Cao tốc này không chỉ là tuyến giao thông liên tỉnh mà còn là trục đường phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu.