Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quốc hội lý giải Luật Cảnh vệ vừa thông qua phải đính chính

Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cho rằng việc đính chính Luật Cảnh vệ không ảnh hưởng đến nội dung luật vì đã gửi cho đại biểu Quốc hội trước đó.

Chiều 21/6, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết trong kỳ họp thứ 3, khối lượng công việc đồ sộ nhưng đã tập trung vào công tác lập pháp, xây dựng pháp luật, với số lượng luật, nghị quyết thông qua, xem xét rất lớn.

"Thành công lớn nhất của Quốc hội là tạo không khí dân chủ, đổi mới chuyển dần từ Quốc hội thảo luận sang tranh luận. Các đại biểu đã tích cực tranh luận và không chỉ tranh luận với các bộ trưởng mà còn tranh luận về các đại biểu", ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Về thông tin, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội có gửi văn bản tới các đại biểu Quốc hội đính chính lại khoản 2, Điều 21 của Luật Cảnh vệ.

Theo đó, nội dung tại khoản 2, Điều 21 về Quy định nổ súng khi thi hành nhiệm vụ như sau: "Gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả".

Sau đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh xin phép các vị đại biểu Quốc hội cho thay cụm từ "gây thương tích cho đối tượng" của dự thảo Luật Cảnh vệ bằng cụm từ "Nổ súng vào đối tượng" trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Luat Canh ve phai cai chinh anh 1
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời tại cuộc họp báo chiều 21/6. Ảnh: Thắng Quang.

Trả lời về thông tin này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng trong quá trình kỳ họp vừa qua có 2 đính chính của 2 Ủy ban chứ không phải một văn bản trên.

"Trong quá trình in ấn có thể có nhầm lẫn, thậm chí, văn bản liên quan đến việc xin ý kiến bỏ phiếu kẹp nhầm cả văn bản khác nên chúng tôi phải gửi văn bản xin lỗi", Tổng thư ký Quốc hội nói.

Theo lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, thực tế khối lượng công việc lớn như thế mà thời gian chỉ khoảng một tháng, các cơ quan phải làm việc liên tục, cả thứ bảy, chủ nhật nên không tránh khỏi sai sót nhưng trước khi tiến hành việc chứng thực chuyển cho Chủ tịch Quốc hội ký phải có rà soát kỹ về câu chữ, dấu chấm, dấu phẩy cho chắc chắn.

"Tất nhiên là không bao giờ sai về văn bản luật rồi. Nếu có sai câu chữ nào thì phải báo cáo đại biểu Quốc hội còn ở đây là đính chính chứ không phải sai và văn bản đã gửi trước rồi chứ không phải sau", ông Phúc nói thêm.

Giải thích rõ hơn về vấn đề này, ông Hoàng Thanh Tùng, Phó tổng Thư ký Quốc hội cho hay trong hồ sơ gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu trước khi Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh đọc báo cáo giải trình, tiếp thu trước Quốc hội và đại biểu biểu quyết thông qua đã có kèm văn bản đính chính nội dung trên.

"Công văn đính chính đã kẹp vào hồ sơ trước khi đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua. Đại biểu Quốc hội đã có đầy đủ thông tin trước khi bấm nút, đây là một việc sơ suất trong quá trình hoàn thiện. Nhưng, việc này diễn ra trước khi thông qua nên việc này hoàn toàn có thể chấp nhận được", ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp đột phá trong điều hành

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, rút kinh nghiệm, có các giải pháp đột phá, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành.


Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm