Đã thành thông lệ, cứ mùng 6 Tết Nguyên đán, hàng nghìn người dân ở Thanh Hóa kéo nhau về phiên chợ ném cà chua. Họ quan niệm, đến đây sẽ giải được mọi xui xẻo trong năm.
Sáng mùng 6 Tết (2/2), hàng nghìn người dân ở Thanh Hóa nườm nượp kéo nhau đến bãi đất trống bên bờ sông Hoàng, thuộc xã Đông Hoàng (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) để tham dự phiên chợ Chuộng.
Phiên chợ được tổ chức duy nhất một lần trong năm. Người dân địa phương quan niệm nếu ai đến được chợ Chuộng đầu năm sẽ trút bỏ được xui xẻo và cầu may mắn cho năm mới.
Nơi này không phân biệt già trẻ, gái trai tham dự.
Tại phiên chợ có bày bán hàng hóa tiêu dùng, các món ăn truyền thống như bánh đa gấc, bánh cuốn, rau củ quả các loại.
Cà chua là loại hàng hóa đặc biệt của phiên chợ và được tiểu thương bày bán nhiều nhất.
Bởi, cà chua chín đỏ được dùng để người mua vò nát và làm vũ khí ném nhau.
Lứa tuổi tham gia ném cà chua nhiều nhất ở phiên chợ là thanh thiếu niên. Người dân quan niệm, ai bị ném cà chua vào người nhiều nhất sẽ trút bỏ được xui xẻo và gặp may mắn trong năm mới. Ngoài ra, ném cà chua còn giúp các chàng trai, cô gái cầu duyên.
Các cô gái trẻ luôn là tâm điểm của "cuộc chiến" rượt đuổi, ném cà chua. Dù bị ném cà chua bẩn hết quần áo nhưng ai cũng cười tươi vui vẻ.
Nhiều hình ảnh không đẹp lại tái diễn khi có chiếu bạc được tổ chức dưới hình thức Tôm cua cá bầu diễn ra ngay tại phiên chợ nhưng không có sự can thiệp của cơ quan chức năng.
Các cụ cao niên kể ngày xưa, vào thời Lê Lợi có một vị tướng đánh giặc chạy ngang qua làng Giang (xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn) thì bị kẻ địch vây bắt. Hôm ấy nhằm ngày mùng 6 Tết. Để tránh bị địch phát hiện, vị tướng đã trao đổi với dân làng và huy động nhân dân quanh vùng họp chợ để che mắt quân thù. Vũ khí được giấu trong những gánh hàng.
Quân địch tưởng đó chỉ là một phiên chợ quê bình thường, mất cảnh giác nên khi vị tướng phát lệnh, dân quân làng bất ngờ tấn công khiến quân địch không kịp trở tay và bị thiệt hại nặng nề. Để tưởng nhớ chiến công đó, cứ đến ngày mùng 6 Tết là dân quanh vùng tụ tập về đây họp chợ, mua may, bán rủi để cầu mong năm mới gặp nhiều may mắn, làm ăn phát tài.
Ngoài những ngôi chợ truyền thống hoành tráng, chợ cóc, siêu thị... bán đủ thứ mặt hàng, thì đâu đó ở Sài Gòn vẫn có những khu chợ chỉ bán một thứ “hàng độc”.
Đến hẹn lại lên, cứ đến mùng 6 Tết, người dân ở Thanh Hóa lại rồng rắn kéo về tham dự phiên chợ đánh nhau cầu may. Đây là một phiên chợ độc đáo và chỉ diễn ra một lần trong năm.