Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà máy lọc dầu Dung Quất đóng cửa chỉ là 'làm reo'

Một số chuyên gia cho rằng, khó khăn của nhà máy là hậu quả của việc thiếu minh bạch trong các khoản phí. Việc “dọa” đóng cửa chỉ là động thái “làm reo” của doanh nghiệp.

 Trong văn bản gửi Bộ Tài chính mới đây, Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn “dọa” rằng, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ phải đóng cửa nếu chính sách thuế không thay đổi. Do việc giảm thuế theo lộ trình hội nhập khiến nhà máy gặp khó khăn.

Gặp khó vì chênh lệch thuế?

Lý giải nguyên nhân đưa ra tuyên bố “nguy cơ không bán được hàng và phải đóng cửa”, Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho rằng, từ ngày 1/1/2015, thuế nhập khẩu xăng từ ASEAN giảm xuống chỉ còn 20%, các mặt hàng dầu khác cũng giảm mạnh.

Trong khi đó, dù sản xuất trong nước nhưng sản phẩm từ Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất vẫn phải chịu thuế nhập khẩu (mức thuế với xăng đến thời điểm ngày 13/4/2015 là 35%). Sự chênh lệch này khiến một số doanh nghiệp đang mua xăng dầu từ Dung Quất phải tính toán để chọn nguồn hàng có chi phí thấp hơn, nhằm đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Tr.Mai
Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Tr.Mai.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Vũ Mạnh Tùng, phó tổng giám đốc BSR - người ký văn bản gửi Bộ Tài chính nêu khả năng đóng cửa nhà máy, cho biết mặc dù các doanh nghiệp đang mua xăng dầu từ Bình Sơn đã có động thái chuyển nguồn mua hàng sang đối tác khác, nhưng do cần một số thủ tục và đáp ứng một số điều kiện, nên dự kiến từ tháng 4/2015 họ mới có thể thực hiện được việc thay đổi nhà cung cấp.

Theo tính toán, đến hết tháng 4/2015, nhà máy vẫn hoạt động 100% công suất, bán được hàng bình thường. Tuy nhiên, với lộ trình giảm thuế được công bố trước đó, BSR thấy có chênh lệch giữa thuế xăng dầu nhập từ ASEAN, với mức thuế mà sản phẩm từ NMLD Dung Quất phải chịu. Chính vì vậy đơn vị có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng điều chỉnh thuế để không quá chênh lệch, đảm bảo công bằng sản phẩm trong nước và sản phẩm nhập khẩu.

Trước đó, trong công văn gửi Bộ Tài chính, Tập đoàn Dầu khí (PVN - công ty mẹ của BSR) cũng cho rằng, theo các hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc... mức thuế đối với xăng dầu từ một số thị trường nhập về Việt Nam sẽ thấp hơn mức BSR đang phải chịu. Điều này khiến PVN có nguy cơ mất cân đối vốn nghiêm trọng nếu phải hỗ trợ, cấp bù tiền cho NMLD Dung Quất.

Cũng theo PVN, với mức thuế xăng từ ASEAN về Việt Nam chỉ còn 20% (dầu chỉ còn 5%, LPG và các sản phẩm hóa dầu đều về 0%), sản phẩm xăng nhập về (từ các nước ASEAN) của các doanh nghiệp đầu mối sẽ rẻ hơn sản phẩm của Dung Quất. Do đó sản phẩm xăng của nhà máy này không thể cạnh tranh được ngay tại thị trường nội địa.

Kêu khó khăn là không có cơ sở

Chiều 14/4, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, cho rằng việc NMLD Dung Quất lo sẽ đóng cửa vì các đơn vị đang mua xăng dầu của nhà máy này quay sang nhập khẩu từ thị trường ASEAN, là không có cơ sở. Theo ông Thi, tỉ trọng kim ngạch nhiên liệu được áp mức thuế ưu đãi đặc biệt hiện chỉ chiếm 0,08% tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu.

Một góc Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Cầm Văn Kình
Một góc Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Cầm Văn Kình.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 10/3, trị giá các mặt hàng xăng dầu (gồm xăng, dầu diesel, dầu hỏa, mazut, condensate, dung môi, naptha để pha xăng, nhiên liệu bay) nhập khẩu từ ASEAN hơn 410 triệu USD, trong đó có 332.500 USD được áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo cam kết của cộng đồng kinh tế Asean, chiếm 0,08% tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu.

Còn lại 409 triệu USD (chiếm 99,9%) được áp dụng theo biểu thuế suất nhập khẩu thông thường. “Do đó, việc NMLD Dung Quất đóng cửa, do lo ngại các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối không nhập hàng mà quay sang nhập khẩu từ các thị trường ASEAN, để hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt là chưa có cơ sở”, ông Thi khẳng định.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hồng Nga (phó khoa kinh tế Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM), giảm thuế theo lộ trình sẽ khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đóng cửa là quá vô lý.

“Trước hết, dầu thô dùng ngay của mình nên không phải chịu thuế xuất khẩu. Tiếp đến, việc sản xuất ngay trong nước, không tốn nhiều chi phí vận tải biển, bốc dỡ, phí kho cảng và nhiều phí phát sinh khác là điều ai cũng biết”, ông Nga nói.

Theo ông Nga, vấn đề ở đây là nhà máy kiểm soát chi phí quá kém, nên giá thành sản phẩm bị đội lên. Ngoài ra, một dự án kinh doanh luôn đòi hỏi phải nghiên cứu, điều tra thị trường và lập kế hoạch kinh doanh, tính trước các điểm mạnh yếu và rủi ro.

Hơn nữa, dạng rủi ro do tăng thuế theo lộ trình không phải là khó lường, thậm chí rất dễ. Bởi đã được công bố trước khi chúng ta gia nhập các tổ chức thương mại, ký kết các hiệp định. Do đó, theo ông Nga, doanh nghiệp chỉ kêu vậy thôi, được thì tốt mà không được cũng chẳng sao. 


Thuế nhập khẩu xăng dầu đã được điều chỉnh phù hợp

Ông Nguyễn Hoài Giang - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR, quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất), cho rằng theo lộ trình hội nhập giữa Việt Nam và các nước ASEAN thông qua Hiệp định thương mại tự do, từ 1/1/2015, các sản phẩm xăng dầu nhập khẩu sẽ được giảm thuế. Cụ thể, chủng loại xăng giảm còn 20% và dầu diesel 5%.

Trong khi đó, sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn chịu mức thuế 35% đối với xăng và 30% đối với dầu diesel. BSR phải đề xuất cho phù hợp với tình hình mới. Các sản phẩm xăng dầu do BSR sản xuất ra cũng phải được điều chỉnh cho phù hợp với việc giảm thuế xăng dầu nhập khẩu. Nếu không, xăng dầu sản xuất ra sẽ đắt hơn nhập khẩu. Các đầu mối tiêu thụ sẽ nhập từ nước ngoài về với giá rẻ hơn, gây bất lợi cho nhà máy.

Theo ông Giang, sau khi BSR đề xuất, các bộ ngành và Chính phủ đã xử lý bước một, bằng việc điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng xuống còn 20% từ ngày 14/4. Như vậy, sản phẩm xăng đã cơ bản phù hợp, còn dầu diesel tiếp tục được đề xuất, và các bộ, ngành sẽ cân nhắc trong thời gian sớm nhất.

“Hiện BSR không gặp khó khăn nào trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cũng không có gì bất cập từ biểu thuế mới. Việc áp dụng thuế theo thị trường hội nhập là bình thường”, ông Giang khẳng định.

                                                                          Trà Giang

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20150415/chi-la-lam-reo/734054.html

Theo C.V.Kình-L.Thanh-H.Quý/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm