Từ sáng sớm, bãi biển xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) nhộn nhịp bè mảng (tàu, thuyền) trở về bờ với khoang đầy ắp ruốc. Các ngư dân cho biết mùa ruốc bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau.
Chủ bè Trương Ngọc Hải (40 tuổi) cho biết năm nay ruốc nhiều. Có gia đình chưa đầy một tháng đã kiếm được 30-40 triệu đồng.
Ngư dân hối hả đưa ruốc lên bờ để bán. Ảnh: Nguyễn Dương. |
"Mỗi ngày, một bè đánh bắt được từ 100 đến 300 kg. Với giá bán dao động 13.000-15.000 đồng/kg, chúng tôi thu về trung bình được 1 triệu đến 4 triệu đồng/ngày", anh Hải hồ hởi nói.
Ông Lê Văn Màu (42 tuổi) có thâm niên 20 năm đi biển cho biết chuyến đánh bắt ruốc chỉ diễn ra trong ngày. Hai ngư dân sẽ ra biển từ 3h trên một chiếc bè mảng công suất 30-40 CV. Việc đánh bắt ruốc rất vất vả và tốn sức.
Mùa này, người dân phải đối mặt với thời tiết lạnh và sóng dữ. Mỗi chuyến đánh bắt thường kéo dài 2-3 giờ. Sau đó, thuyền quay về bờ. Nhà nào đánh được nhiều thì quay vào bờ rồi lại ra biển đánh tiếp, có nhà đi được 2-3 chuyến/ngày.
Các thương lái thường chờ sẵn trên bãi biển để mua được ngay ruốc tươi sống. Mua xong, họ đưa loại hải sản này về chế biến thành mắm tôm hoặc sấy khô để bán kiếm lời.
Ruốc được thương lái mua về làm mắm hoặc sấy khô để bán. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Theo lãnh đạo UBND xã Hoằng Trường, xã này có 300 chiếc bè mảng. Mùa năm nay, ngư dân trúng đậm ruốc biển. Các loại hải sản được thương lái ưa chuộng, mua ngay trên bờ với giá cao đem lại thu nhập ổn định cho ngư dân ở các xã vùng biển Hoằng Hoá.
Ruốc còn có tên gọi là tép moi, tép biển hay moi, là loài giáp xác mười chân sống ở vùng nước lợ hay nước mặn ven biển, thuộc chi Acetes, họ moi biển (Sergestidae).