Theo ghi nhận, dọc tuyến đường Đình Thôn (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) hơn 2 tháng qua xuất hiện hàng trăm cột thép với kích thước bằng nhau, sơn đỏ, bên trên gắn biển hiệu của các cửa hàng kinh doanh.
Dãy cột gắn biển hiệu "đồng phục" dọc đường Đình Thôn. Ảnh: Ngọc Tân. |
Lãnh đạo phường Mỹ Đình 1 cho biết việc này nằm trong đề án thí điểm tuyến đường văn minh đô thị giai đoạn 2018 - 2020 định hướng đến 2030 của phường. Trước khi thực hiện, chính quyền đã họp dân và nhận được sự đồng thuận.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai, người dân dọc đường Đình Thôn nhận thấy một số bất cập liên quan đến diện tích vỉa hè, tính thẩm mỹ và sự an toàn của hệ thống này.
Trao đổi với Zing.vn chiều 15/11, ông Lưu Hồng Đức, Chủ tịch HĐND phường Mỹ Đình 1, khẳng định đây mới là công trình thí điểm, hoàn toàn có thể chỉnh sửa nếu thấy không hợp lý. Tuy nhiên được hỏi liên quan đến ý kiến người dân, ông Đức báo bận, từ chối lắng nghe câu hỏi.
Vỉa hè bị bức tử
Bà Tuyết, chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Đình Thôn cho biết đây vốn là đường làng, mới trở nên sầm uất khoảng 6 năm qua cùng với tiến trình đô thị hóa của khu vực Mỹ Đình.
"Vỉa hè ở đây rất nhỏ, nhiều đoạn gần như không có vỉa hè vì các hộ dân xây nhà ra sát mặt đường", bà Tuyết nói và cho hay vừa qua, phường đã tận dụng nốt diện tích vỉa hè còn lại để dựng lên những cây cột biển hiệu.
Từ thời điểm hoàn thiện cột sắt đến nay, người đi bộ trên đường Đình Thôn hầu như phải di chuyển dưới lòng đường.
Người dân dựng xe, đi bộ dưới lòng đường do cột sắt góp phần chiếm hết diện tích vỉa hè vốn đã ít ỏi. Ảnh: Ngọc Tân. |
Đáng chú ý, ngay sau khi hệ thống cột sắt được hoàn thiện, nhiều hộ kinh doanh nhanh chóng lắp mái, xây vách đua ra sát vị trí cột. Đây thực chất là hành vi lấn chiếm vỉa hè, nghiễm nhiên coi cột sắt như cột nhà của mình. Ở nhiều vị trí, khoảng cách từ mặt tiền cửa hàng đến cột sắt phía trước lên đến gần 2 mét.
Những chiếc cột được đặt dựa theo vị trí, kích thước mặt tiền mỗi căn nhà. Do đó chúng không hề "đều tăm tắp" mà thò thụt, chiều rộng giữa các cột khác nhau.
Các cửa hàng nhanh chóng xây vách, lắp mái đua ra sát vị trí cột sắt. Ảnh: Ngọc Tân. |
"Tôi thấy việc dựng cột như vậy rất mất mỹ quan và lấn chiếm vỉa hè. Bây giờ cột điện còn phải ngầm hoá để làm thoáng vỉa hè, đằng này lại dựng thêm cột sắt như vậy đúng là ngược đời", ông Hoàng Văn Ứng, người dân phường Mỹ Đình 1 bức xúc.
Những khung sắt lơ lửng trên đầu người dân
Người dân cho biết chính quyền phường chỉ dựng các dãy cột rồi cho các hộ dân tự gắn biển hiệu (miễn là đảm bảo kích cỡ, chiều cao của biển).
Những cây cột để gắn biển được thiết kế cao 4,5 m. Khoảng cách từ biển quảng cáo xuống mặt đất là 3 m, chiều ngang biển phụ thuộc vào diện tích mặt tiền các cửa hàng, còn chiều dọc cố định là 1,2 m.
Nhiều tấm biển bằng sắt nặng được treo chơ vơ trên 2 cột. Tại một số cửa hàng, biển thậm chí được chống đỡ bởi 1 bên cột do chủ nhà không muốn làm biển quá dài. Đầu bên kia của biển được gá vào tường nhà.
Nhiều biển hiệu thực chất chỉ được đỡ bởi 1 cột sắt do chủ cửa hàng không muốn làm biển quá dài. Ảnh: Ngọc Tân. |
Biển hiệu được người dân tự bắt vít hoặc hàn vào cột sắt. Không ai dám chắc việc gắn biển có đảm bảo chắc chắn, có đảm bảo không rơi xuống đầu người đi khi gió bão.
Đề án thí điểm xây dựng tuyến đường văn minh đô thị của phường Mỹ Đình 1 có điểm giống với ý tưởng tuyến phố kiểu mẫu từng được thử nghiệm trên đường Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) vào năm 2016.
Toàn dãy phố khi đó được lắp đặt các biển hiệu đồng phục hai màu xanh, đỏ viền trắng, cùng chất liệu, chiều cao 1,1 m, độ dài tùy theo mặt tiền.
Những hộ kinh doanh không chịu làm biển hiệu mới phải quay ngược mặt biển hiệu cũ vào trong nhà. Ảnh: Ngọc Tân. |
Sau hơn 2 năm thực hiện, tuyến đường Lê Trọng Tấn với biển hiệu kiểu mẫu đã thất bại khi các cửa hàng tự ý "phá luật", thiết kế biển hiệu theo cách riêng.