Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

New York: 16 năm đi qua những 'bi kịch Mỹ'

New York vào năm 2017, khi vụ khủng bố 11/9/2001 đã mãi mãi trở thành ký ức tập thể, những người dân tiếp tục chiến đấu cho những giá trị của thành phố đang bị đe dọa.

NEW YORK: 16 NĂM ĐI QUA NHỮNG 'BI KỊCH MỸ'

New York vào năm 2017, khi vụ khủng bố 11/9/2001 đã mãi mãi trở thành ký ức tập thể và là "vết thương" chung, người dân tiếp tục chiến đấu cho những giá trị của thành phố đang bị đe dọa.

New York sau ngay 11/9 anh 1

Đó là một buổi tối thứ Tư ở vùng ngoại ô Suffern của New York, tại rạp phim Lafayette được xây dựng từ thập niên 1920, khoảng 1.000 người đã tụ tập để tham dự buổi chiếu ra mắt bộ phim tài liệu Man in the Red Bandanna (Người đàn ông bịt Khăn tay Đỏ).

Bộ phim là cuộc tìm kiếm lại những vết tích cuộc đời của Welles Crowther, từ khi là cậu bé sinh ra ở làng Upper Nyack, không xa vùng ngoại ô Suffern, cho đến khi trở thành một lính cứu hỏa tập sự rồi làm việc cho một ngân hàng ở Manhattan. Ngày 11/9/2001, Crowther chết tại Manhattan, ở tuổi 24 đẹp đẽ và sau khi đã cứu sống ít nhất 10 người khác tại tòa Tháp Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York.

New York Times cho biết người đứng sau dự án làm bộ phim về Crowther là Matthew Weiss, một luật sư chuyên về các vụ vi phạm luật giao thông và chưa hề có bất kỳ kinh nghiệm làm phim nào trước đó. Vào một ngày hơn 6 năm trước, Weiss nghe được câu chuyện này từ một nhân viên ngân hàng khác, người vô tình lại chính là cha của Crowther. Bị thôi thúc trước câu chuyện về người đàn ông đã dùng chiếc khăn vuông để bịt mặt trong những giờ phút bi kịch của New York ngày 11/9/2001, Weiss quyết định bắt đầu dự án phim tài liệu về Crowther. 

Vị luật sư New York trên là một trong số rất nhiều người New York đã và đang tìm kiếm lại những mảnh ghép ẩn sau bi kịch lớn nhất mà nước Mỹ và New York từng trải qua. Đó là thứ bi kịch vừa rất riêng tư, như mất mát của cha mẹ Crowther và gần 3.000 nạn nhân khác, vừa là một phần trong "bi kịch Mỹ", thời điểm nước Mỹ kết thúc kỷ nguyên của "sự ngây thơ", của tính bất khả xâm phạm và phát hiện họ mong manh đến thế nào trước những mối đe dọa từ bên ngoài.

New York sau ngay 11/9 anh 2

Buổi sáng 11/9/2001, một ngày thứ ba trời xanh ngắt, đã trở thành ký ức tập thể của 8 triệu người New York vào lúc đó. Hàng nghìn cuộc điện thoại đã được gọi để tìm kiếm sự trấn an, bày tỏ nỗi kinh hoàng hay đơn giản là nói lời từ biệt, hàng nghìn người từ đủ hướng đã nhìn ra khung cửa sổ của những cao ốc trong thành phố để thấy 2 chiếc máy bay lần lượt đâm vào 2 tòa tháp. Sau ngày hôm đó, New York đã trở thành một thành phố "chấn thương", theo định nghĩa của tác giả người Australia Maria Tumarkin về "vùng đất đã trải qua bi kịch và bị thay đổi cả về vật chất lẫn tinh thần". 

Hơn 15 năm sau, không có tòa tháp đôi nào mọc lên tại nơi những chiếc máy bay đã đâm vào. Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) của New York được xây dựng ở một khu đất khác. Nơi hai tòa tháp đổ xuống trở thành đài tưởng niệm gồm 2 hồ nước. Trên thành của mỗi hồ là tên của gần 3.000 người đã thiệt mạng trong sự kiện trên. Những cái tên được sắp xếp thành nhóm dựa trên sự liên quan của họ khi còn sống. Họ có thể là vợ chồng, hoặc những người trên cùng chuyến bay, cùng làm việc ở một tầng nhà. 

Trên khắp thành phố, hàng nghìn người đã và đang làm những công việc rất thầm lặng để không ai bị lãng quên, để không bi kịch cá nhân nào bị gộp vào cái chết tập thể, dù đó là những lập trình viên sử dụng các thuật toán để sắp xếp gần 3.000 người vào vị trí thích hợp, hay luật sư Weiss tìm kiếm lại cuộc đời "người đàn ông bịt khăn đỏ" qua lời kể của thân nhân.

New York sau ngay 11/9 anh 6

Vụ khủng bố 11/9 là sự kiện đã thay đổi không chỉ New York mà cả nước Mỹ và chính sách đối ngoại của nước này, đã kéo theo cuộc "sa lầy" lâu nhất của Mỹ và định hình cả 2 nhiệm kỳ tổng thống của George W. Bush.

Philip H. Gordon, cựu chuyên gia tại Viện Brooking, từ rất sớm sau cuộc tấn công đã nhận định 11/9 sẽ là sự kiện có sức định hình mạnh mẽ không kém cuộc tấn công Trân Châu Cảng. Đó đều là những cuộc tấn công chớp nhoáng, bất ngờ. Tuy nhiên, khác với Trân Châu Cảng, vụ khủng bố 11/9/2001 diễn ra ngay trên đất Mỹ. Trong phút chốc, nó đánh đổ niềm tin về một vùng đất nơi mọi cuộc chiến đều không thể vươn tới và chứng minh nước Mỹ có thể mong manh đến nhường nào. 

"Một thời đại của ngây thơ và cách ly đã trôi qua. Sự bất khả xâm phạm đã ra đi", Gordon viết.

16 năm sau ngày 11/9/2001, sự thay đổi của New York không rõ rệt như Afghanistan, nơi nước Mỹ mãi vẫn không thể kết thúc cuộc chiến. New York đã bước về phía trước. 16 năm sau thảm kịch trên, thành phố này vẫn là biểu tượng của sự phồn hoa bậc nhất, nơi những chuyên viên tài chính, nhà thiết kế thời trang và các nghệ sĩ tìm về. Chiếc taxi màu vàng và những dãy phố kín người của New York vẫn là nguồn cảm hứng cho văn chương và điện ảnh. Trên những con đường tấp nập, hơn 200 thứ ngôn ngữ được nói mỗi ngày, người nhập cư từ hàng trăm nước tìm về đây để mong hiện thực hóa "Giấc mơ Mỹ" của họ. 

New York sau ngay 11/9 anh 9

Dẫu vậy, những chuyện không ngờ vẫn cứ xảy đến.

Năm 2016, New York trở thành chiến địa trực tiếp của cuộc bầu cử tổng thống kịch tính bậc nhất lịch sử khi 2 ứng viên đều đến từ thành phố này. Vào đêm 8/11/2016, 2 sân khấu ăn mừng được dựng lên ngay giữa thành phố, chỉ cách nhau vài km. Các ứng viên trở về thành phố nhà và chờ đợi giây phút được bước lên sân khấu chiến thắng.

Vào đêm hôm đó, New York chứng kiến nước Mỹ đã không chọn lựa chọn của họ. 

Bang New York, nơi suốt 3 thập niên không hề bầu cho một tổng thống đảng Cộng hòa nào, đã chứng kiến một người Cộng hòa đắc cử, và đó là một người Cộng hòa "ngoại đạo" với giới thượng lưu thành phố này. Trong đêm hôm đó, mọi hỷ nộ ái ố, từ sự bàng hoàng của Hillary Clinton đến lời hứa "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" của Donald Trump, đều diễn ra tại New York.

Thành phố đón nhận tin tức này bằng những cuộc biểu tình ngay trước Trump Tower, không chỉ sau ngày ông Trump đắc cử mà còn trong rất nhiều dịp khác khi ông đã nhậm chức. 

New York, thành phố nổi tiếng là thân thiện với người nhập cư, chứng kiến tổng thống ra sắc lệnh cấm người từ 7 nước Hồi giáo nhập cảnh và ngưng chương trình bảo vệ trẻ nhập cư của người tiền nhiệm Barack Obama. Cũng là New York, thành phố nổi tiếng với những cuộc biểu tình chống biến đổi khí hậu quy mô lớn, chứng kiến Tổng thống Trump rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Paris về Chống Biến đổi Khí hậu.

New York sau ngay 11/9 anh 13

Những người New York cứng đầu không thỏa hiệp với tổng thống. Đám đông biểu tình ngày ông trở về Trump Tower sau nhiều tháng nhậm chức tại Washington D.C. Các nhà hoạt động môi trường và quyền của người nhập cư biểu tình phản đối các chính sách của tổng thống, chính quyền bang kiện ông vì các sắc lệnh nhập cư. 

Người ta vẫn thường nói về "tinh thần nước Mỹ" và "tinh thần New York" đã được thể hiện như thế nào trong ngày 11/9/2001. Đó là Crowther, người đã sử dụng cơ hội thoát chết của chính mình để cứu mạng nhiều người khác; đó là hàng trăm lính cứu hỏa và cảnh sát đã mặc kệ nguy cơ 2 tòa nhà đổ sập mà đào bới đống đổ nát bên dưới để tìm kiếm những nạn nhân sống sót...

16 năm sau, khi những giá trị của New York tiếp tục bị thách thức, người ta lại thấy "tinh thần New York" ở các luật sư tình nguyện ra sân bay để trợ giúp những người nhập cư bị chặn lại trên đường đến Mỹ, ở những người New York ra đường để bảo vệ "Chính sách Mộng mơ" của Obama, bảo vệ những người nhập cư đang tìm kiếm cơ hội được xây dựng cuộc sống của mình trên đất Mỹ...

"Chúng tôi sẽ ổn thôi. Dù sao thì chúng tôi cũng đã sống qua nhiều chuyện kinh khủng hơn", một người đàn ông nói ở Quảng trường Thời đại vào buổi tối ông Trump đắc cử.

New York sau ngay 11/9 anh 16
Những giây phút kinh hoàng tại Mỹ ngày 11/9/2001 Tiếng la thất thanh "Ôi lạy Chúa tôi" từ những người nhìn thấy cảnh chiếc máy bay khủng bố lao vào tòa tháp đôi ở New York 16 năm trước sẽ mãi mãi là nỗi ám ảnh của nhân loại.

Phương Thảo

Ảnh: New York Times, AFP, Getty

Bạn có thể quan tâm