Ông Jozef Chovanec bị bắt tại sân bay Charleroi ở Bỉ vào năm 2018 vì gây náo loạn trên máy bay.
Trong thời gian bị giam giữ, ông được cho đã tự đập đầu vào tường phòng giam đến mức chảy máu. Một nhóm sĩ quan đã đến ghìm chặt người này lại.
Ông Chovanec sau đó được đưa đến bệnh viện, nhưng rơi vào hôn mê và qua đời vào ngày hôm sau, theo BBC.
Các hình ảnh từ phòng giam cho thấy một số sĩ quan đang cười khi vụ việc xảy ra, trong khi một người ra dấu chào kiểu Đức Quốc xã. Đoạn video được ghi lại cho thấy một sĩ quan khác ngồi trên khung xương sườn của ông Chovanec trong 16 phút.
Hình ảnh chụp từ video quay cảnh phòng giam của ông Jozef Chovanec cho thấy một sĩ quan đang ra dấu chào kiểu Đức Quốc xã. Ảnh: EVN. |
Cái chết của người đàn ông Slovakia này tại Bỉ đã thu hút sự chú ý của dư luận vì có điểm tương đồng với cái chết của George Floyd, người đàn ông Mỹ gốc Phi bị cảnh sát da trắng ghì cổ chết hôm 25/5 tại Mỹ.
“Tôi muốn biết chuyện gì đã xảy ra và tại sao (cảnh sát) lại hành xử như vậy", bà Henrieta, vợ ông Chovanec , nói với Het Laatse Nieuws, tờ báo Bỉ đã công bố đoạn video.
Trước khi qua đời vào tháng 2/2018, ông Chovanec là chủ của một công ty tuyển dụng công nhân xây dựng người Slovakia cho các dự án ở Bỉ. Ông thường xuyên di chuyển giữa hai quốc gia để làm việc.
Gia đình của ông Chovanec cho biết họ không biết lý do ông có hành vi bất thường như vậy trong thời gian bị cảnh sát giam giữ. Kết quả khám nghiệm tử thi cũng cho thấy ông không dùng ma túy hoặc rượu.
Vợ ông Chovanec cho biết: “Có vẻ có vấn đề gì đó đã xảy ra với chồng tôi, ông ấy không được khỏe, nhưng cảnh sát đã phớt lờ chồng tôi cả đêm. Khi thấy máu, đáng lẽ họ phải sơ cứu cho ông ấy. Thay vào đó, họ ngồi trên người chồng tôi. Ông ấy không thể thở bình thường được".
Hai năm sau khi người đàn ông này qua đời, cảnh sát vẫn đang tiếp tục điều tra và vợ của ông Chovanec đang kêu gọi bổ nhiệm thẩm phán mới.
Người phát ngôn của văn phòng công tố viên thành phố Charleroi cho biết tất cả viên chức liên quan đến vụ việc đã được thẩm vấn, tuy nhiên quá trình này "bị chậm trễ do cuộc khủng hoảng liên quan đến Covid-19".
Trong khi đó, phát ngôn viên của cảnh sát nói với trang web Sudinfo rằng sĩ quan ra dấu chào kiểu Đức Quốc xã trong video sẽ bị sa thải kể từ ngày 20/8.