TAND huyện Gò Dầu (Tây Ninh) vừa xét xử vụ án dân sự về tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản giữa ông T.V.H. với ông T.M.P.
Theo hồ sơ, ông H. và ông P. có đất giáp ranh với nhau, cùng sản xuất chung nhiều năm nay. Ông H. trồng dừa, còn ông P. sản xuất lúa.
Ông P. sau đó chặt tàu lá trên 14 cây dừa của ông H. Ông H. cho rằng việc làm của ông P. sẽ làm cho cây không ra trái.
Trong khi đó, theo tính toán của ông H., mỗi trái dừa hiện nay giá 10.000 đồng. Mỗi tháng, cây dừa ra một quầy khoảng 10 trái, thu hoạch khoảng 100.000 đồng. Thiệt hại từ 14 cây dừa là 1,4 triệu đồng mỗi tháng.
Ảnh minh họa. Ảnh: PLO. |
14 cây dừa trên ông H. đã trồng được 10 năm. Thiệt hại trong ba năm là hơn 50 triệu đồng. Vì vậy, ông H. yêu cầu ông P. phải bồi thường 45 triệu đồng.
Ông P. thừa nhận có hành vi chặt tàu dừa của ông H. nhưng ông không biết bao nhiêu cây. Lý do chặt là trước đó mấy ngày, ông có gặp ông H. nói chuyện thì ông này kêu: "Ông tự chặt đi".
Nay ông P. đồng ý bồi thường 2 triệu đồng cho ông H., không đồng ý bồi thường 45 triệu đồng. Ông P. thừa nhận chặt tàu dừa của ông H. như vậy là sai và xin lỗi ông này. Tuy nhiên, ông P. có sự hiểu lầm lời nói của ông H., nghĩ là ông này đồng ý cho mình chặt tàu dừa nên mới có hành động như vậy.
Tại tòa, HĐXX cho rằng ông P. đã có hành vi trái pháp luật, có lỗi gây thiệt hại về tài sản thuộc quyền sở hữu của ông H. Các bên không tự thỏa thuận được với nhau về mức bồi thường nên ông P. phải có trách nhiệm bồi thường theo quy định.
Căn cứ vào thiệt hại thực tế xảy ra trực tiếp và gián tiếp, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại xảy ra, căn cứ vào mức độ lỗi của các bên, HĐXX tuyên buộc ông P. phải bồi thường cho ông H. hơn 2,3 triệu đồng.