Sáng 12/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tiếp tục họp về thông tin tình hình mưa lũ và công tác chỉ đạo điều hành, ứng phó với mưa lớn và xả lũ Hòa Bình.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn Trung ương, sáng sớm 12/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 420 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp đạt cấp 7 (50-60 km/h), giật cấp 9.
Áp thấp dự kiến vào Biển Đông dịp cuối tuần và mạnh lên thành bão. Ảnh: NCHMF. |
Ngày và đêm nay, áp thấp di chuyển nhanh theo hướng tây chếch bắc, với vận tốc 25 km/h và có khả năng mạnh lên thành bão. Sáng sớm 13/10, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/h), giật cấp 10.
Sau đó, bão di chuyển theo hướng tây, với vận tốc 15-20 km/h và còn có khả năng mạnh thêm.
Cơ quan dự báo cho biết mực nước lũ trên sông Hoàng Long (tại Ninh Bình) đang lên chậm, trên sông Thao tại Yên Bái và Phú Thọ đang duy trì ở mức đỉnh, hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội đang lên nhanh. Trong ngày 12/10, mực nước tại các sông sẽ giảm dần.
Gần 50 người thiệt mạng, 30 người mất tích
Theo số liệu thống kê của các địa phương đến sáng sớm ngày 12/10, mưa lũ khiến 40 người thiệt mạng (Sơn La 5 người, Yên Bái 4 người, Hòa Bình 15 người, Thanh Hóa 8 người, Nghệ An 8 người); 22 người mất tích (Sơn La 3 người, Yên Bái 11 người, Hòa Bình 3 người, Thanh Hóa 4 người, Quảng Trị 1 người) và 21 người bị thương (Sơn La 3 người, Yên Bái 7 người, Thái Bình 6 người, Hòa Bình 2 người, Thanh Hóa 3 người).
Thống kê này chưa tính đến vụ sạt lở vùi lấp 18 người tại huyện Tân Lạc (Hòa Bình) rạng sáng 12/10, trong đó 9 thi thể đã được tìm thấy.
Ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, yêu cầu các địa phương cần sẵn sàng với áp thấp nhiệt đới đang tiến vào nước ta. Ảnh: Trà My. |
Hàng loạt sự cố đê điều, hồ đập, giao thông
Về sự cố đê điều, tại Thanh Hóa, một số đoạn thuộc tuyến đê tả Chu (Thanh Hóa) bị sạt lở; tuyến đê bao Tế Nông (Nông Cống, Thanh Hóa) vỡ dài 3 m, một số đoạn đê tả sông Yên, sông Cầu Chày bị sạt lở. Sáng 12/10 sông Cầu Chày tiếp tục xảy ra sự cố tại vị trí cống Quan Hoa, địa phương đang tổ chức xử lý, khắc phục.
Tại Nam Định, một số tuyến đê, kè bị ảnh hưởng do bão số 10 chưa được xử lý tiếp tục bị sạt lở mái đê.
Về sự cố hồ, đập hồ Cháu Mè tại Hòa Bình bị sạt mái hạ lưu. Tại Thanh Hóa, hồ Ông Già (huyện Tĩnh Gia) bị tràn qua đỉnh đập 10 cm, nước hiện rút về mức ngưỡng tràn tự do, hồ an toàn. Mưa lớn làm vỡ 12 m đập Cồ Bương (Cầm Thủy, Thanh Hóa) và sạt mái hồ Đập Cầu (Hà Trung, Thanh Hóa), chiều dài sạt 60 m. Các địa phương đang khắc phục sự cố trên.
Tại Nghệ An, đập Trại Gà, xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc (dung tích 100.000 m3) bị mưa lớn tràn qua thân đập và đã mở rộng tràn 5 m để xả lũ, đảm bảo an toàn đập. Tại Hà Tĩnh, đập hồ chứa Cố Châu tại xã Gia Hanh, huyện Can Lộc bị vỡ với chiều dài 28 m, khối lượng ước tính khoảng 810 m3.
Ông Đồng Văn Tự, Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT). |
Ông Đồng Văn Tự, Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT) nhận định: “Ở khu vực phía Bắc, hầu hết hồ lớn hiện tích đầy nước phục vụ cho sản xuất. Công tác đảm bảo an toàn hồ chứa được thực hiện tốt, cơ bản không để xảy ra sự cố, việc xả lũ không ảnh hưởng nhiều”.
Đại diện Bộ Giao thông cho biết tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai vẫn đang bị ách tắc, ảnh hưởng từ cơn lũ. Lớp đất đá bị sạt lở đè lên 6 toa tàu, làm dịch chuyển 6 m đường sắt. Tuyến đường sắt này có thể thông được trong khoảng 4-5 ngày nữa.
"Rất may vị trí xảy ra sự cố sát bờ sông Hồng, nên việc vận chuyển khối lượng đất đá thuận tiện hơn", đại diện bộ nói.
Ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, nhấn mạnh cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đối phó với áp thấp nhiệt đới đang tiến vào nước ta.