Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chính phủ bắt 145 binh sĩ đối lập, Lybia bên bờ vực nội chiến

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi các bên kiềm chế trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Lybia sau khi 145 binh sĩ phe đối lập bị lực lượng ủng hộ chính phủ bắt giữ.

Theo Guardian, các lực lượng vũ trang ủng hộ chính phủ đóng tại thủ đô Tripoli đã bắt giữ 145 binh sĩ và 60 phương tiện quân sự thuộc lực lượng Quân đội quốc gia Lybia tự xưng (NLA) của nguyên soái Khalifa Haftar, lực lượng đối lập tại phía Đông.

Vụ việc xảy ra khi các binh sĩ của NLA tấn công và chiếm thị trấn Gharyan, phía nam thủ đô Tripoli, hôm 4/4. Các lực lượng ủng hộ chính phủ sau đó phản công, tái chiếm lại một điểm kiểm soát quân sự quan trọng cách thủ đô Tripoli 18 km về phía Tây, trên hành lang giao thông chính nối Tripoli với nước láng giềng Tunisia, và bắt giữ nhóm binh sĩ của NLA.

Noi chien Lybia anh 1
Các xe quân sự của NLA bị lực lượng ủng hộ chính phủ bắt giữ. Ảnh: Reuters.

Hôm 5/4, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi lực lượng của Nguyên soái Haftar dừng mọi chiến dịch quân sự và yêu cầu các bên kiềm chế leo thang. Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết quan ngại sâu sắc về nguy cơ xung đột tại Lybia.

"Tôi rời Lybia với những lo lắng sâu sắc. Tôi vẫn hy vọng có thể tránh được cuộc đối đầu đẫm máu ở Tripoli. Liên Hợp Quốc cam kết thúc đẩy một giải pháp chính trị, và bất chấp chuyện gì xảy ra, Liên Hợp Quốc cam kết hỗ trợ nhân dân Lybia", ông Guterres cho biết.

Trước đó, Tổng thư ký Guterres đã có một tuần làm việc tại thủ đô Tripoli để dàn xếp một hội nghị hòa giải cho các phe phái chính trị tại Lybia. Ông Guterres sau đó bay tới Benghazi để làm việc với Nguyên soái Haftar, trước khi có chuyến đi tới thành phố Tobruk để gặp các thành viên của quốc hội. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã rời Lybia tối 5/4 sau khi các cuộc gặp không đạt kết quả nào.

Hội đồng Bảo an dự kiến sẽ có cuộc họp kín tại New York để thảo luận về tình hình Lybia. Trong một tuyên bố chung đưa ra hôm 5/4, Mỹ, Anh, Italy, Pháp và UAE kêu gọi các bên kiềm chế, tránh leo thang xung đột. Trong khi đó, Nga tuyên bố không ủng hộ các hành động quân sự của NLA.

Noi chien Lybia anh 2
Nguyên soái Khalifa Haftar. Ảnh: Reuters.

Từ sau sự sụp đổ của chính quyền Muammar Gaddafi năm 2011, Lybia rơi vào hỗn loạn và chia rẽ, với nhiều phe phái chính trị chia nhau kiểm soát đất nước.

Chính phủ quốc gia Lybia, được Liên Hợp Quốc công nhận, do Thủ tướng Fayez al Sarrij đứng đầu, hiện kiểm soát thủ đô Tripoli và một số khu vực ở miền Tây Lybia. Trong khi đó, lực lượng quân sự NLA với sự ủng hộ của quốc hội Lybia hiện kiểm soát Benghazi, thành phố lớn thứ 2 của nước này, và các lãnh thổ ở miền Đông.

Vài tháng qua, lực lượng NLA đang đẩy mạnh các chiến dịch quân sự nhằm củng cố ảnh hưởng chính trị của Nguyên soái Haftar, buộc các phe phái khác phải công nhận vai trò lãnh đạo thực tế của ông này trước khi hội nghị hòa giải diễn ra trong tương lai.

Người tị nạn cướp tàu cứu hộ vì không muốn bị đưa về châu Phi

Một nhóm người nhập cư đã đe dọa các thuyền viên trên tàu cứu hộ ở biển Địa Trung Hải, đòi hỏi được đưa tới châu Âu thay vì bị trả về quê nhà ở châu Phi.

'Đế chế' IS sụp đổ, thủ lĩnh bí ẩn vẫn bặt vô âm tín

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã mất toàn bộ lãnh thổ rộng lớn một thời ở Iraq và Syria, nhưng thủ lĩnh bí ẩn của IS vẫn đang lẩn trốn và đưa ra những kêu gọi thù hận.



Duy Anh

Bạn có thể quan tâm