Theo South China Morning Post, vụ hỏa hoạn xảy ra vào chiều ngày 8/7 tại nhà máy thực phẩm và đồ uống Hashem tại Rupganj, một thị trấn ngoại ô thủ đô Dhaka.
Cảnh sát ban đầu chỉ phát hiện ba người thiệt mạng. Sau đó con số tăng lên 52 khi nhân viên cứu hỏa tiếp cận được tầng ba và tìm thấy hàng chục thi thể của những công nhân bị mắc kẹt.
Những thi thể của công nhân nhà máy được chuyển lên xe cứu thương. Ảnh: AFP. |
Khoảng 30 công nhân bị thương và hàng trăm người khác đang đợi tin tức của người thân ở bên ngoài. Lực lượng cứu hỏa đã giải cứu 25 người từ mái nhà máy.
Theo Sở Cứu hỏa Dhaka, ngọn lửa bùng phát mạnh vì nhà máy dự trữ rất nhiều hóa chất và nhựa dễ cháy. Các công nhân không thể chạy lên mái nhà máy vì cửa thoát hiểm tầng ba bị khóa. Họ cũng không thể đi xuống dưới vì ngọn lửa đang lan rộng.
Sau 24 giờ, các nhân viên cứu hỏa vẫn chưa dập tắt được hoàn toàn đám cháy.
Thông thường có khoảng 1.000 công nhân làm việc tại nhà máy. Nhưng vào thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn, nhiều người đã trở về nhà.
“Một khi đám cháy được kiểm soát, chúng tôi sẽ tiến hành chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ bên trong. Sau đó, chúng tôi mới có thể xác nhận thêm bất kỳ thương vong nào”, Debashish Bardhan, phát ngôn viên của sở cứu hỏa, nói.
Hàng trăm người dân hiếu kỳ đã khiến các con đường xung quanh ách tắc nghiêm trọng. Một số người khác đã đụng độ với nhân viên an ninh. Cảnh sát thành phố Dhaka đã phải triển khai lực lượng để giải tán đám đông.
Mohammad Saiful, một công nhân nhà máy may mắn thoát chết, cho biết hàng chục người còn ở bên trong khi ngọn lửa bùng phát.
“Trên tầng ba, cổng ở cả hai cầu thang đều bị khóa lại. Những đồng nghiệp khác nói rằng còn 48 người bên trong. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với họ”, anh nói.
Mamun, một công nhân khác, cho biết anh và 13 người khác đã chạy lên mái nhà khi đám cháy bùng phát ở tầng trệt. “Nhân viên cứu hỏa đã cứu chúng tôi bằng cách sử dụng dây thừng”, ông nói với các phóng viên.
Đây không phải là lần đầu tiên thảm họa xảy ra tại các khu công nghiệp của Bangladesh. Chính quyền nước này đã cam kết cải cách kể từ khi thảm họa Rana Plaza đã giết chết hơn 1.100 người vào năm 2013.
Tuy nhiên, các tiêu chuẩn an toàn vẫn còn rất lỏng lẻo. Vào tháng 2/2019, ít nhất 70 người thiệt mạng sau khi một vụ hỏa hoạn xảy ra tại một căn hộ chứa hóa chất bất hợp pháp tại Dhaka.