Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các tướng lĩnh thất bại trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Thái Lan

Chính quyền quân sự Thái Lan đã đạt được rất ít tiến bộ trong việc loại bỏ tham nhũng bất chấp những lời hứa từ cuộc đảo chính năm 2014.

Một trong những tuyên bố được các nhà lãnh đạo quân sự Thái Lan sử dụng để biện minh cho cuộc đảo chính năm 2014 là chính quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra khi đó đã tham nhũng.

Trước đó, các tội danh tham nhũng được coi là vũ khí hữu ích chống lại các nhân vật chính trị thân Shinawatra, qua đó vô hiệu hóa ảnh hưởng của gia tộc Shinawatra và đe dọa những người ủng hộ còn lại, bao gồm các chính trị gia phản đối sự can thiệp thứ hai của quân đội vào chính trị Thái Lan trong 8 năm.

Tuy nhiên, có nhiều rủi ro tham nhũng ở hầu hết lĩnh vực ở Thái Lan. Điều này đã khiến đấu tranh tham nhũng trở thành vấn đề nan giải đối với chính phủ quân sự hiện điều hành Thái Lan, tức Hội đồng Hòa bình và Trật tự quốc gia (NCPO), kể từ cuộc đảo chính năm 2014.

Trong bài viết trên The Diplomat, nhà báo Neil Thompson nhận định rằng đấu tranh tham nhũng sẽ dẫn đến nguy cơ phơi bày những nhân vật quyền lực trong giới cầm quyền và các cơ quan an ninh nhà nước ở Thái Lan.

Mặt khác, bỏ qua tham nhũng có thể làm tổn hại tính hợp pháp mong manh của chính quyền, làm nảy sinh bất ổn xã hội mà cuối cùng có thể đẩy chính quyền quân sự khỏi quyền lực.

Động cơ chống tham nhũng

Sau cuộc đảo chính năm 2014, tham nhũng ở Thái Lan được cho là tồi tệ hơn, một phần vì các tòa án mất tính độc lập và bị chính trị hóa.

Chỉ số Nhận thức Tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho thấy bức tranh phức tạp về những nỗ lực chống tham nhũng của quân đội kể từ năm 2014.

Thái Lan đạt 37 trên 100 điểm vào năm 2012, 35 điểm vào năm 2013 và 38 điểm vào năm 2014, năm mà chính phủ dân sự Yingluck Shinawatra bị lật đổ. Theo hệ thống đánh giá, mức điểm càng cao, đất nước càng trong sạch.

Sau khi NCPO bắt đầu vận hành, Thái Lan đạt 38/100 điểm vào năm 2015, giảm xuống 35/100 vào năm 2016 và tăng lên mức 37/100 vào năm 2017.

Theo Nikkei Asian Review, cộng đồng doanh nghiệp Bangkok tin rằng tham nhũng của chính phủ Yingluck còn tồi tệ hơn nhưng so sánh điểm số CPI trong nhiệm kỳ của bà với chính quyền hiện nay cho thấy đối với người dân Thái Lan, dường như không có gì thay đổi.

tham nhung o Thai Lan anh 1
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha (trái), người đứng đầu chính quyền quân sự, và Phó thủ tướng Prawit Wongsuwan. Ảnh: Khaosod.

Không phải ngẫu nhiên mà sự tập trung của NCPO vào tham nhũng sau đảo chính lại nhận được sự ủng hộ của người dân Thái Lan và các nhà đầu tư nước ngoài vào thời điểm đó.

Trong bài viết năm 2017, Nikkei Asian Review từng đánh giá chi tiết về cách chính phủ quân sự do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha lãnh đạo nhanh chóng nhân đôi ngân sách của Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia Thái Lan.

Prayut đã chuyển tất cả 55 doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả vào một ủy ban giám sát cho chính ông kiểm soát, làm giảm khả năng giám sát của các bộ đối với những doanh nghiệp này.

Trước đây, các bộ trưởng kế nhiệm thường sắp xếp người thân vào hội đồng quản trị của các công ty nhà nước, qua đó trục lợi từ các doanh nghiệp. Không ngạc nhiên khi một hệ thống như vậy tạo ra một loạt bê bối bất cứ khi nào chính phủ dân sự được bầu cử dân chủ lên nắm quyền. Điều này đã làm giảm tín nhiệm của dân chúng đối với hệ thống chính quyền trước đây.

Lý do kinh tế cũng là động cơ để chính quyền quân sự nỗ lực giảm tham nhũng. Là một phần trong chiến lược phát triển, chính quyền đang cố gắng thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài vào chương trình phát triển Hành lang Kinh tế Phương Đông (EEC) đầy tham vọng.

Kế hoạch trị giá hàng tỷ USD đặt mục tiêu nâng cao vị thế của Thái Lan trong chuỗi giá trị bằng cách thâm nhập sản xuất ở các khu vực công nghệ tiên tiến như xe điện, robot và lĩnh vực hóa sinh.

EEC sẽ làm trẻ hóa trung tâm công nghiệp của Thái Lan trên vùng biển phía đông và cho thấy quân đội có thể quản lý nền kinh tế như bất kỳ chính trị gia dân cử nào. Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng, khu vực này đang chịu sự cạnh tranh của các đối thủ trong khu vực có chi phí thấp hơn, bao gồm cả Trung Quốc.

Để cải cách toàn diện, EEC cần hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài, một thách thức đối với quốc gia có quy mô trung bình và không có điểm gì nổi bật về danh tiếng kinh doanh quốc tế, tài nguyên hay dân số trong độ tuổi lao động.

Nỗ lực bất thành

Tuy nhiên, những nỗ lực của NCPO để cải thiện tình hình tham nhũng trong nước dường như không đem lại bất kỳ thành công nào. Đầu năm 2018, chính quyền quân sự quay cuồng vì vụ bê bối tham nhũng của chính mình, khi Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan gặp rắc rối vì số lượng đồng hồ xa xỉ được cho là thuộc sở hữu của ông, điều khó giải thích với mức lương chính thức của Prawit.

Prawit là một trong những quan chức cấp cao đã tham gia tổ chức và thực hiện cuộc đảo chính năm 2014 và được coi là một nhà môi giới quyền lực có tầm ảnh hưởng trên chính trường Thái Lan.

tham nhung o Thai Lan anh 2
Tướng Prawit Wongsuwan giơ tay che nắng trong một buổi chụp hình nội các tại Tòa nhà Chính phủ ngày 4/12/2017. Bức ảnh đã dẫn tới vụ bê bối về nhiều chiếc đồng hồ cực kỳ xa xỉ trị giá hàng triệu baht mà ông thường đeo. Ảnh: Khaosod

Cách chức Prawit sẽ gây khó khăn cho Thủ tướng Prayut, người có tham vọng chính trị trong tương lai. Những nỗ lực vụng về để xử lý vụ bê bối cho thấy sự lúng túng và thoái trào của chính quyền quân sự.

Không có gì ngạc nhiên khi Prayut và chính quyền quân sự đứng về phía vị phó thủ tướng kiêm bộ trưởng quốc phòng, người dường như không chút lo sợ trước bất kỳ cuộc điều tra nào. Trước khi cuộc bầu cử được tổ chức, tình hình chính trị Thái Lan vẫn còn quá mong manh để các thành viên NCPO chống lại nhau.

NCPO từ lâu đã đại diện cho tầng lớp thượng lưu bảo thủ ở Bangkok và theo đuổi quan điểm của tầng lớp này. Một mặt, chính quyền quân sự vẫn chống tham nhũng trong một số trường hợp. Mặt khác, chính quyền sẽ né tránh vấn đề khi nó mâu thuẫn quá nhiều với lợi ích tiềm ẩn của các thế lực chính trị ở Thái Lan, bao gồm cơ quan an ninh và hoàng gia.

“Với luật bất thành văn này, cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Thái Lan sẽ không bao giờ thực sự chiến thắng”, nhà báo Neil Thompson kết luận.

Bầu cử Thái - nghị sĩ 'rắn hổ mang' sẽ cứu tướng Prayut?

Các nhà quan sát nói sau ngày 24/3 sẽ có những nghị sĩ “rắn hổ mang” ở cả đảng Dân chủ lẫn Pheu Thai bầu cho ông Prayut làm thủ tướng.

Công tố viên Thái không đủ giấy tờ để dẫn độ Thaksin từ Hong Kong

Sau khi tuyên bố đang nỗ lực dẫn độ ông Thakisn từ Hong Kong, công tố viên Thái Lan nói họ không thể gửi yêu cầu đến nhà chức trách sở tại nếu không có đề nghị của cảnh sát.

Tuyết Mai

Theo The Diplomat

Bạn có thể quan tâm