Mặc dù không có trong chương trình hội nghị, song, trước diễn biến trên Biển Đông hiện nay, Ban Chấp hành Trung ương đã theo dõi sát tình hình, nghe báo cáo của các cơ quan chức năng về thực hiện các chủ trương, giải pháp nhằm phản đối, đấu tranh đòi Trung Quốc phải dừng việc đặt giàn khoan thăm dò dầu khí Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam.
Trong thông báo được phát vào tối 14/5, Ban Chấp hành trung ương khẳng định, Việt Nam giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hoà bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và những thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Trung Quốc.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các Ủy viên Trung ương cần có sự quan tâm đặc biệt đối với việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại; đồng thời cần xác định rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức đang đặt ra và chủ trương, chính sách, biện pháp cần áp dụng để giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển.
Tổng bí thư: "Tình hình Biển Đông hiện đang diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt, tăng cường đoàn kết, cả nước một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc".
“Đặc biệt là, tình hình Biển Đông hiện đang diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt, tăng cường đoàn kết, cả nước một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước”, Tổng bí thư nói và đề nghị mỗi đồng chí Ủy viên Trung ương “hãy nhận thức đầy đủ và nêu cao hơn nữa trách nhiệm thiêng liêng và nặng nề của mình”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát lại những kết quả chủ yếu của Hội nghị. |
Cho tới nay, việc Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam qua hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế đã được 2 tuần, kể từ 1/5. Không những thế, Trung Quốc đã huy động lực lượng lớn tàu chấp pháp, tàu chiến, máy bay... tới hộ tống. Các tàu này đã hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương.
Ngày 11/5, trong phiên họp toàn thể của các nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lên án và khẳng định đó là "hành động cực kỳ nguy hiểm", "đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông".
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẩn thiết kêu gọi các nước ASEAN, các nước trên thế giới, các cá nhân và Tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối hành động xâm phạm nghiêm trọng nêu trên và ủng hộ yêu cầu hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.
Trước đó, ngày 10/5, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, các Bộ trưởng đã nhất trí thông qua một Tuyên bố riêng về tình hình phức tạp hiện nay ở Biển Đông. Tuyên bố bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về các vụ việc hiện nay ở Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng ở khu vực; yêu cầu các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển 1982, thực hiện kiềm chế và không được có các hành động có thể làm ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định ở khu vực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực.
Đây là lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ (kể từ năm 1995), ASEAN ra một Tuyên bố riêng về tình hình phức tạp đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.