Bà Aung San Suu Kyi "đã quan tâm lắng nghe trong toàn bộ quá trình điều trần và cho chúng tôi biết lời khai nào là không đúng sự thật, lời khai nào cần được kiểm tra chéo", Min Min Soe, một trong những luật sư của bà Aung San Suu Kyi, cho biết sau phiên tòa hôm 21/6 ở thủ đô Naypyitaw.
Tuy nhiên, luật sư này không nêu cụ thể về lời khai man mà bà Suu Kyi nhắc đến, theo AP.
Một luật sư khác của bà Aung San Suu Kyi là Kyi Win cho biết trong phiên tòa hôm 21/6, cảnh sát và một quan chức địa phương đưa ra lời khai liên quan đến cáo buộc vi phạm quy định kiểm dịch, cáo buộc nhập khẩu và sử dụng máy bộ đàm trái phép.
Luật sư Kyi Win cho biết một đại úy quân đội đã làm chứng về việc nhập khẩu bộ đàm.
“Những gì ông ấy có thể nói là thiết bị viễn thông đã được giao cho ông ấy. Và người này chỉ biết có thế", luật sư Kyi Win nói.
Min Min Soe, một trong những luật sư của bà Suu Kyi, nói với báo giới sau phiên tòa hôm 21/6. Ảnh: AP. |
Trong phiên tòa đã kéo dài sang tuần thứ hai, cựu Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi bị buộc tội nhập khẩu trái phép máy bộ đàm để vệ sĩ của bà sử dụng.
Ngoài ra, các cáo buộc khác bao gồm sử dụng bộ đàm trái phép, phát tán thông tin có thể gây báo động hoặc bất ổn cho công chúng và vi phạm các quy định kiểm dịch Covid-19 trong chiến dịch bầu cử năm 2020.
Các cáo buộc trong phiên tòa này là các tội danh tương đối nhỏ. Nhưng nếu bị kết tội, bà sẽ không thể tham gia cuộc bầu cử mới mà quân đội cam kết sẽ tổ chức trong vòng hai năm kể từ khi nắm quyền.
Nếu được xử trắng án với các cáo buộc này, bà vẫn còn hai tội danh nghiêm trọng hơn vẫn chưa được đưa ra xét xử. Hai cáo buộc này bao gồm hành vi vi phạm đạo luật về bí mật quốc gia (với mức án tối đa là 14 năm tù) và nhận hối lộ (với mức án tối đa là 15 năm tù).
Bà Suu Kyi và một số lãnh đạo dân cử của Myanmar bị bắt giữ từ cuộc chính biến ngày 1/2. Vụ việc đưa quân đội nước này lên nắm quyền và làm dấy lên làn sóng biểu tình phản đối của dân chúng.