Với tôi, việc mua nhà ở năm 26 tuổi là một quyết định liều lĩnh.
Lifestyle chia sẻ câu chuyện mua và trang trí căn hộ đầu tiên của Đông Quân (1995, sinh sống tại TP.HCM).
Tìm kiếm sự ổn định trước năm 30 tuổi
Tôi hiện là đại diện phát ngôn, đồng thời là seller của một resort tại TP.HCM. Sống tự lập gần 6 năm nay, tôi luôn đặt mục tiêu sẽ sở hữu một căn nhà riêng vào năm 30 tuổi.
Căn hộ của tôi là căn 1 phòng ngủ +, diện tích 47 m2 và thuộc phân khu Rainbow của Vinhomes Grand Park (TP Thủ Đức). Giá lúc tôi mua là 1 tỷ 840 triệu đồng.
May mắn, công việc hiện tại cũng giúp tôi có thêm kiến thức về bất động sản. So với mặt bằng chung, đây là khu đô thị phù hợp nhất với nhu cầu và số tiền tôi hiện có.
Tôi đã tìm hiểu và làm hồ sơ với ngân hàng trước đó. Khi được duyệt, tôi mới bắt đầu đặt cọc nhà.
Suốt 4 tháng nghỉ dịch, khoản tiền để dành của tôi cũng không còn nhiều. Cộng dồn thêm từ các thẻ tín dụng, tôi gom góp được gần 200 triệu. Để có thể trả trước 30% giá trị của căn hộ, tôi phải mượn thêm từ gia đình và đồng nghiệp.
Mỗi tháng, tôi phải trả cho ngân hàng khoảng 11 triệu đồng. Tiền thuê nhà của tôi trước đó cũng xấp xỉ 7 triệu một tháng. Tự tính toán và cân nhắc các chi phí, tôi nghĩ chỉ cần cố gắng hơn nữa thì sau 3-5 năm đã có ngôi nhà cho riêng mình. Đây cũng là lý do tôi quyết định mua nhà dù có phần hơi liều lĩnh.
Hơn hết, mua nhà vừa giúp tôi có động lực kiếm tiền lại còn cho bản thân một nơi đi chốn về đích thực. Hiện tại, tôi đã hoàn thành được mục tiêu ổn định trước năm 30 tuổi. Mục tiêu tiếp theo của tôi là tất toán khoản vay ngân hàng sau 5 năm.
Quyết định bỏ cọc và tự tay trang trí căn hộ của mình
Ban đầu, tôi chọn một đơn vị lo phần thiết kế và thi công nội thất theo hình thức "chìa khóa trao tay". Phương án này sẽ rất khỏe vì bạn sẽ không cần làm gì.
Tôi đã ký hợp đồng thiết kế với mức giá 12 triệu đồng. Thời gian để bên đơn vị thi công lên bản thiết kế là 21 ngày. Tuy nhiên, tôi lại là người không thích chờ đợi nên đã quyết định bỏ cọc và tự tay trang trí căn hộ của mình.
Ưu điểm của việc tự làm là sẽ tiết kiệm chi phí nhất có thể. Còn nhược điểm là bạn phải có hết ý tưởng trong đầu để khi hoàn thành, các chi tiết mới ăn khớp với nhau.
Tổng chi phí làm nội thất tôi hết gần 150 triệu đồng. Nghe có vẻ khó tin nhưng sau khi làm xong, tối nào tôi cũng ngồi ngắm nhà đến 1h sáng mới đi ngủ.
Phong cách tôi hướng đến là Japandi và Color Block. Sự tối giản và tinh tế là 2 ưu tiên hàng đầu của tôi trong quá trình trang trí. Từng chi tiết trong nhà tôi đều dành hết tâm ý của mình vào đó.
Tôi tự tìm đơn vị lót sàn. Loại sàn tôi chọn là nhựa giả gỗ, tổng chi phí hết 4,8 triệu đồng.
Sau đó, tôi chọn một bên chuyên thi công tại chung cư để làm bếp. Tổng chi phí cho khu vực này, bao gồm: tủ bếp, bếp, bồn rửa, vòi rửa, bàn ăn, đảo bếp, sơn nhấn tường, bàn thờ treo là khoảng 66 triệu đồng.
Tôi không lắp máy hút mùi vì nhà khá thoáng và cũng ít nấu ăn do đi làm cả ngày.
Chất liệu chính của căn hộ là mây và tre, vừa gần gũi nhưng cũng không kém phần hiện đại. Xanh lá và gỗ là 2 tone màu chính tôi sử dụng và cũng là màu sắc hợp phong thủy của tôi.
Thời gian làm đồ nội thất rơi vào khoảng 3 tuần. Tôi thường gom hết các đơn hàng và đặt lịch thi công vào thứ 2 vì đây là ngày nghỉ của tôi. Điều này cũng gây thêm khó khăn trong quá trình làm nội thất.
Tính toán chi phí (không bao gồm đồ trang trí):
- Giường: 5,1 triệu đồng
- Rèm 2 lớp cho phòng khách và phòng ngủ: 4,6 triệu đồng
- Tủ áo quần, tủ trưng bày, bàn sofa, kệ TV, tab đầu giường: 30,6 triệu đồng
- Sofa: 5,5 triệu đồng
- 4 ghế bàn ăn: 4,8 triệu đồng
- Máy giặt, máy sấy, tủ lạnh: 26,4 triệu đồng
- Máy nước nóng lắp giấu trần: 3,3 triệu đồng