Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Tôi cùng chồng xây dựng danh mục đầu tư, chia sẻ chi phí trong nhà

Phụ nữ thường có mức độ chấp nhận rủi ro thấp trong khi đàn ông lại mạo hiểm hơn. Hai đặc điểm này có thể bổ sung cho nhau, giúp tối ưu kế hoạch tài chính của gia đình.

quan ly tai chinh ca nhan anh 1

Zing chia sẻ trải nghiệm quản lý tài chính cá nhân của My Dương. Tốt nghiệp thạc sĩ ở Venice, Italy và sở hữu 8 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành Tài chính Bảo hiểm, hiện cô là quản lý chuyên môn Marketing & Truyền thông của một công ty Bảo hiểm Nhân thọ tại Việt Nam.


Thói quen tiết kiệm được thừa hưởng từ mẹ

Tôi học hết cấp 2 thì ôn luyện vào trường chuyên. Vì trường cấp 3 ở khá xa nhà, tôi buộc phải ở trọ và bắt đầu học cách tự xoay xở. Sợ gia đình tốn kém, tôi đã cố gắng dè sẻn, dành dụm tiền làm thêm để mua sách cùng những vật phẩm giá trị cao như máy học ngoại ngữ.

Đến lúc tôi là sinh viên, mẹ tin tưởng giao tôi quản lý tiền trong nhà. Được chủ động mua sắm đồ dùng thiết yếu, trả tiền hóa đơn, tôi càng ý thức không lãng phí và quyết định làm nhiều việc hơn để có ngân sách trang trải nhu cầu cá nhân.

Có lẽ tư duy của tôi đến từ mẹ. Ngày còn bé, tôi thường xuyên nghe mẹ dạy về tầm quan trọng của tiết kiệm.

Một trong những câu mẹ nói mà tôi nhớ mãi, đó là “nếu bạn cứ mua những thứ mình không cần, đến một lúc bạn sẽ phải bán thứ mình cần”. Câu nói này đi theo tôi đến khi trưởng thành, nhờ vậy tôi chưa bao giờ là tuýp người tiêu xài ngẫu hứng.

Thời sinh viên, tôi theo dõi thu chi bằng cách ghi chú đơn giản. Với lương tháng, ưu tiên hàng đầu của tôi là xử lý các khoản cố định như tiền nhà, học phí và phụ cấp cho em trai, tiền xăng, tiền chợ. Phần còn lại, tôi dùng cho những buổi hẹn hò với bạn bè hay sắm sửa quần áo.

Thời điểm đó, tôi khoảng 20 tuổi.


Học tạo ra dòng tiền thay vì chỉ sống với thu nhập

Trước khi sang châu Âu học thạc sĩ, tôi đã đi làm một thời gian và dành dụm được một khoản tiền kha khá. Tuy nhiên, dù có học bổng 100% học phí và 100% sinh hoạt phí cơ bản, tôi vẫn choáng ngợp với cuộc sống nơi xứ người.

Tôi thấy bế tắc mỗi khi chờ học bổng được gửi vào tài khoản hoặc chưa đến ngày lãnh lương mà đã rỗng túi. Bởi trải nghiệm đó, tôi hiểu sâu sắc rằng mình không thể duy trì trạng thái “có làm thì mới có ăn” như vậy nữa.

Tôi bắt đầu nghiên cứu và tìm cách tạo ra thu nhập thụ động, cụ thể là đầu tư vào quỹ của các công ty lớn hay vàng.

Tôi vẫn là kiểu phụ nữ thích an toàn nên những kênh có mức độ rủi ro thấp tương đối phù hợp với tôi. Chồng tôi thì khác, anh chấp nhận rủi ro cao, lợi nhuận cao.

Đây cũng là điểm thường thấy ở phần đông nữ giới. Theo một số báo cáo về hành vi người tiêu dùng trong mảng bảo hiểm - tài chính, phái nữ thường ưu tiên hình thức tiết kiệm hoặc đầu tư ít mạo hiểm. Họ cần sự đảm bảo và tự thấy mình có trách nhiệm bảo toàn tài sản chung, từ đó không dám mạnh tay với các khoản đầu tư rủi ro cao.

Tôi cho đây là đặc điểm ưu nhiều hơn khuyết. Do đó, vợ và chồng hoàn toàn có thể bổ sung cho nhau, như trường hợp của tôi, để đa dạng hóa danh mục đầu tư của gia đình.


Phụ nữ không nên ôm đồm

Hình thức quản lý tài chính trong phạm vi gia đình phụ thuộc vào hoàn cảnh và tư duy của từng đôi vợ chồng. Với chúng tôi, phương pháp thích hợp là phân công trách nhiệm và tiền ai nấy giữ.

Nếu giữ hết tiền của cả hai, tôi sẽ phải lo tất cả bao gồm thanh toán tiền nhà cùng một số khoản vay ngân hàng, tính tiền cơm nước, cấp dưỡng cho phụ huynh hai bên,... Cá nhân tôi nghĩ kiểu quản lý trên khá ôm đồm, tự làm nặng đầu mình.

Thay vào đó, chúng tôi tự kiểm soát thu nhập của mình và thảo luận cụ thể về vai trò của mỗi người. Chẳng hạn nếu anh trả nợ thì tôi là người hỗ trợ bố mẹ.

Cách này giúp người chồng chủ động quan tâm đến thu chi trong nhà, không giao khoán cho vợ. Đồng thời, người vợ cũng giảm bớt gánh nặng và đôi bên tin tưởng lẫn nhau hơn.


Kỷ luật với chi tiêu là chìa khóa để đầu tư hiệu quả

Tìm hiểu và trang bị kiến thức về đầu tư là điều nên làm, nhưng tôi xem sự kỷ luật mới là yếu tố quyết định khoản đầu tư của bạn có sinh lời như mong muốn hay không.

Trước khi tập trung vào các khoản đầu tư dài hạn từ 10 năm trở lên, tôi đặt mục tiêu tiết kiệm cho quỹ dự phòng và các khoản bảo hiểm sức khỏe. Đều đặn đầu tháng, vợ chồng tôi sẽ dành một phần thu nhập chuyển vào những mục này.

Sự kỷ luật cũng giúp tôi bình tĩnh suy nghĩ, lựa chọn hướng đi khi tài chính biến động và hạn chế “vung tay quá trán”.

Đôi khi, giữ tiền còn quan trọng hơn cách chúng ta kiếm tiền.

#HerMoney là series dành cho nữ giới, nơi những nhân vật chia sẻ góc nhìn cá nhân. Với kinh nghiệm và màu sắc của họ, mỗi bài viết gửi đến người đọc một hướng tiếp cận mới về tài chính, công việc và cuộc sống.

Thiên Hân

Đồ họa: Yến Nhi

Bạn có thể quan tâm