Đánh giá thấp sức ảnh hưởng của mình tại văn phòng sẽ khiến bạn khó thăng tiến, hoặc có nhiều hành động gây mất hình ảnh. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels. |
Thông thường, các nhân sự trẻ có xu hướng đánh giá thấp sức ảnh hưởng của mình tại nơi làm việc. Đa số tin rằng cấp trên và đồng nghiệp sẽ phớt lờ đề xuất của mình, hoặc từ chối hỗ trợ, làm thay họ nhiệm vụ quan trọng nào đó, Harvard Business Review đưa tin.
Theo Vanessa Bohns, giáo sư về hành vi tổ chức của Đại học Cornell (Mỹ), niềm tin này gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Chẳng hạn, bạn dễ dàng bỏ lỡ những cơ hội thu hút sự ủng hộ hoặc chứng minh năng lực. Ngoài ra, khi xem nhẹ tầm ảnh hưởng của bản thân, chúng ta sẽ ăn nói, làm việc khá tùy tiện. Điều này chắc chắn gây ra nhiều tác động xấu đến mối quan hệ với đồng nghiệp và hình ảnh bạn muốn gầy dựng trong tương lai.
Dưới đây là 3 gợi ý từ chuyên gia Bohns để các nhân sự trẻ tuổi lưu tâm hơn đến sức ảnh hưởng của bản thân khi đến nơi làm việc, cũng như bắt đầu sử dụng nó một cách khôn ngoan.
Bạn sẽ hạn chế sự phát triển của mình nếu mãi nghĩ bản thân không có sức ảnh hưởng tại nơi làm việc. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels. |
Thay đổi góc nhìn
Lý do đơn giản nhất để bạn không nhận ra mức độ tác động của mình với người khác là không thực sự nhìn thấy nó.
Thay vào đó, bạn chỉ quan sát được tất cả ảnh hưởng từ đối phương lên bản thân, hoặc cách đồng nghiệp ảnh hưởng lẫn nhau.
Trước hết, bạn cần giải phóng mình khỏi luồng suy nghĩ thông thường. Cụ thể, ngừng giới hạn mình trong khuôn khổ hàng ngày và thay đổi góc nhìn là bước đầu để thay đổi.
“Mỗi ngày, hãy hình dung một cuộc gặp gỡ tại văn phòng của bạn với vị trí người quan sát trong 10 phút. Bạn cần liệt kê cách để đôi bên duy trì chất lượng tương tác và tạo ấn tượng tốt cho nhau.
Đồng thời, đừng quên quan sát kỹ mọi buổi trò chuyện, thảo luận giữa các đồng nghiệp và quản lý có khiếu ăn nói. Từ đó, bạn sẽ tự cân nhắc, chọn lọc được phương án tối ưu nhằm cải thiện tầm ảnh hưởng cá nhân”, Vanessa Bohns khẳng định.
Hãy chủ động xin phản hồi từ quản lý và đồng nghiệp, thay vì tự suy diễn. Ảnh minh họa: Mart Production/Pexels. |
Đừng tự suy diễn
Theo chuyên gia, sai lầm thứ 2 của nhân sự trẻ tuổi là chỉ ngầm phán đoán mức độ ảnh hưởng của mình. Một số cá nhân tự tin vào trực giác và chỉ làm theo mọi thứ theo cảm xúc riêng.
Trong khi đó, điều họ cần làm là tìm cách trực tiếp xác nhận các giả định.
Hiểu được hành động, phát ngôn của mình khiến đồng nghiệp, quản lý cảm thấy như thế nào là bước tiếp theo để hiểu, cải thiện mức tác động lên họ.
“Lời khuyên của tôi là chủ động trong mọi tình huống. Sau cuộc họp, buổi đánh giá sản phẩm hay trong giờ nghỉ giải lao là thời điểm phù hợp để bạn xin phản hồi từ các nhân viên khác.
Hãy mạnh dạn hỏi họ về ưu, khuyết điểm của mình cũng như gợi ý hướng phát huy, cải thiện. Biết đâu bạn sẽ bất ngờ trước hàng loạt lời khen thật lòng, cũng như nhanh chóng nâng mình lên một tầm cao mới sau cuộc hội thoại kiểu này”, Bohns cho hay.
Xung phong đảm nhiệm vị trí quan trọng là cách bạn tự đánh giá sức ảnh hưởng tại nơi làm việc. Ảnh minh họa: Artem Podrez/Pexels. |
Trải nghiệm sức ảnh hưởng của mình
Cuối cùng, hãy tự kiểm tra và trải nghiệm sức ảnh hưởng của bản thân. Nghĩa là bạn cần chủ động hơn trong mọi công việc tại văn phòng.
Chẳng hạn, nhận trách nhiệm đứng đầu dự án hay điều phối cuộc thi nội bộ là gợi ý không tồi.
Hoặc đơn giản hơn, bạn nên mạnh dạn góp ý, xây dựng kế hoạch của nhóm hoạt động mình tham gia.
Nếu các nhân viên khác phản ứng tích cực với hành vi, lời nói và thái độ của bạn, mức độ tác động đã khá ổn định và cần được duy trì.
Ngược lại, bạn nên lưu tâm và tiếp tục xin được góp ý trong trường hợp mọi người thờ ơ hoặc có bất đồng thấy rõ.
Bên cạnh đó, tìm kiếm sự giúp đỡ từ đồng nghiệp cũng là cách hay nhằm đánh giá sức ảnh hưởng của mình. Chính Giáo sư Bohns cũng từng bất ngờ khi được một số người tại nơi làm việc hỗ trợ nhiệt tình, trong khi cô luôn nghĩ bản thân mờ nhạt, thiếu sức hút.
“Đặc biệt, đừng bao giờ quên bày tỏ tấm lòng biết ơn hay đánh giá cao dành cho các nhân viên khác. Một lời nói đơn giản nhưng xuất hiện đúng lúc, đúng thời điểm chắc chắn sẽ giúp bạn nhận được điểm cộng từ bất kỳ ai”, bà nói thêm.
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.