Hé lộ 7 đội bóng muốn gia nhập Super Liga
Phát biểu gây sốc đòi tổ chức một giải đấu riêng tại buổi lễ tổng kết mùa giải vừa qua của bầu Kiên không chỉ là lời dọa suông. Bởi cách đây 5 năm, bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai đã đưa ra ý tưởng này.
>> VFF 'thay máu' trọng tài, cách chức trưởng ban V-League?
>> Độc giả thất vọng vì VFF, ủng hộ Super Liga của ‘bầu’ Kiên
>> 7 đội bóng dọa bỏ V-League, lập giải Super Liga
Nhận định về những ý kiến của bầu Kiên, bầu Thắng của Đồng Tâm Long An cho biết, đó không chỉ là lời đe dọa VFF nếu họ không thay đổi: “Tôi từng nói rất nhiều về vấn đề chi tiền bất hợp lý của các đội bóng như hiện nay mà hoàn toàn không được kiểm soát, nếu thực trạng “thả nổi” như vậy thì những người có tâm huyết muốn làm bóng đá một cách tử tế đều chán... Phát biểu của bầu Kiên không phải chỉ để dọa VFF mà ý tưởng này đã được nhiều người đề cập trước đó”, ông chủ của ĐTLA bức xúc.
Bầu Thắng ủng hộ kế hoạch lập giải đấu riêng nếu VFF không có những thay đổi rõ rệt |
Bầu Đức là người đưa ra ý tưởng lập giải đấu riêng đầu tiên
Cách đây 5 năm, tại một khách sạn ở TP.Hồ Chí Minh, bất mãn với thực trạng của bóng đá Việt Nam, một số ông bầu có tâm huyết thực sự với bóng đá mà đứng đầu là bầu Đức, bầu Thắng, bầu Kiên... đã tổ chức một buổi họp riêng với nhau, trong đó đưa ra thảo luận “ngầm” với nhau một số vấn đề để kiểm soát việc “bão tiền” của các đội bóng, “chống đi đêm”, sự yếu kém của BTC giải...
Cụ thể, để “chống đi đêm” các ông bầu đã đưa ra ý kiến “Nếu một cầu thủ đã bị kỷ luật ở CLB này, thì sẽ không được chuyển sang đội bóng khác” hay đưa mức “giá trần” về chuyển nhượng cầu thủ, cũng như khung tiền thưởng của mỗi trận đấu. Các ý kiến nhận được sự tán đồng của đa số người tham dự. Tuy nhiên, một ông bầu phía Bắc đã thẳng thừng đứng lên nói: “Nói là vậy, nhưng cũng chỉ là thỏa thuận miệng, không có quy chế ràng buộc...mà điều đó lại nằm hoàn toàn trong tay BTC giải..” Thế là, mọi người “ngã” ra và mọi vấn đề đều đi vào bế tắc.
Không chịu khuất phục, người đầu tiên đưa ra những ý kiến trên là bầu Đức đã khiến mọi người bất ngờ khi nói: “Nếu VFF làm không được, tại sao ta không tự tổ chức một giải đấu riêng?”
Tất nhiên, điều này rất khó khả thi, bởi để tổ chức một giải đấu, ngoài các các yếu tố xã hội, tính pháp lý, thì cũng bất cập ở việc quản lý và điều hành như thế nào. Cuối cùng cuộc họp kết thúc mà không tìm được tiếng nói chung.
Bầu Đức là người đề cập ý tưởng lập giải đấu riêng đầu tiên |
5 năm trôi qua, thực trạng đã chứng minh việc “thả nổi”, kiểm soát yếu kém của cơ quan chủ quản đã đẩy giải V-League ngày càng đi theo xu hướng tiêu cực, mà đỉnh điểm là mùa 2011 với hàng “tá” những vấn đề nảy sinh. Việc bầu Long của Hòa Phát Hà Nội từ bỏ bóng đá, hay những phát biểu ngay tại cuộc họp tổng kết V-League của bầu Kiên chỉ là những “giọt nước tràn ly”.
“VFF “lạc hậu” so với sự phát triển của xã hội”
Chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh – cựu Giám Đốc Điều Hành HAGL - cho rằng, liên đoàn đã không thể theo kịp sự phát triển của bóng đá hiện đại: “Nếu coi V-League là một cuộc chạy marathon thì lẽ ra VFF là người luôn luôn phải đi đầu định hướng, dẫn đường, còn các CLB là người chạy theo con đường ấy. Đằng này, Liên đoàn lại luôn là người chạy sau cùng, luôn phải rượt theo bước chạy của các CLB...Thế mới có chuyện có nhiều nhiều quy chế, quyết định của liên đoàn xảy ra khi “sự đã rồi”...và hầu hết đều rất bất hợp lý. Ngay chuyện cả thiên hạ đều biết bầu Hiển nắm trong tay 2 đội bóng (Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng), còn liên đoàn hoàn toàn dường như không hay...
Tất nhiên, để thay đổi được thì không phải một sớm, một chiều... mà muốn làm được phải thay đổi tư duy, nghĩa là toàn bộ cơ cấu, con người. Ví dụ, năm 2009 anh Khôi làm không tốt, liên đoàn kỷ luật bằng cách đẩy xuống chức phó của mùa 2010, còn anh Tuấn lên thay, thực tế công việc không thay đổi. Mùa 2011, anh Khôi lại quay lại chức cũ... Bây giờ tôi nghe đâu Liên đoàn cũng sẽ bỏ chức trưởng giải của anh Khôi mùa tới, nhưng anh ấy vẫn trong BCH, người khác có lên thay cũng vậy. Nếu thay đổi thì phải thay đổi tuyệt đối con người...chứ không phải kiểu năm nào cũng có bấy nhiêu, chỉ là cách “xoa dịu dư luận” mà thôi.”
Đánh giá về ý tưởng lập giải đấu riêng của bầu Kiên, ông Vinh cho biết: “Điều đó không phải không thể làm được, họ từng quản lý, điều hành thành công những doanh nghiệp lớn với hàng ngàn tỷ thì một giải bóng đá không phải là quá khó. Vấn đề là chắc chắn không ai muốn điều đó xảy ra. Tôi nhìn nhận ý tưởng trên ở khía cạnh xây dựng và phát triển bóng đá Việt Nam hơn là kiểu hờn giận”.
Đi tìm 7 đội bóng muốn lập giải đấu riêng 7 đội bóng muốn lập giải đấu Super Liga như lời bầu Kiên phát biểu tại buổi họp tổng kết của VFF vừa qua nhiều khả năng chính là những người góp mặt tại cuộc họp cách đây 5 năm. Trong đó, cuối mùa giải vừa rồi, bầu Thắng cũng từng đề cập về vấn đề này. Để tổ chức giải đấu riêng thì chắc chắn đội bóng đó sẽ không thuộc quyền sở hữu của địa phương. Tính đến thời điểm này, ở V-League chỉ có 7 đội bóng thuộc quyền sở hữu hoàn toàn của doanh nghiệp gồm: HAGL, ĐTLA, V.Ninh Bình, Navibank Sài Gòn, Sài Gòn Xuân Thành, Hà Nội T&T và Hòa Phát Hà Nội. Trong đó, bầu Hiển là người được hưởng lợi nhiều nhất từ các quyết định của VFF và lại còn đang nắm trong tay một đội hạng nhất lẫn SHB.Đà Nẵng nên chắc chắn sẽ không tham gia, còn Hòa Phát Hà Nội đang có ý định sáp nhập cùng Hà Nội ACB (bầu Kiên đã mua lại Hòa Phát Hà Nội nhưng chưa sáp nhập ngay). Như vậy nhiều khả năng 6 đội bóng trên cộng với đội có quyết tâm nhất đã xuống hạng - Hà Nội ACB, là những CLB muốn thành lập Super Liga Cup. |
Thiên Vũ
Theo Bưu điện Việt Nam