Dịch bùng phát ở các tỉnh thành là lý do khiến nhiều người yêu nhau phải tạm xa cách. Còn với những vợ chồng đã về một nhà, trải nghiệm gặp nhau suốt tuần lại đem đến những cảm xúc rất khác.
Zing đã trò chuyện với 4 đôi khác nhau và tìm hiểu cách họ cải thiện mối quan hệ thông qua những khó khăn khi giãn cách.
Đợt giãn cách này cả tôi và người yêu đều ở lại thành phố. Dù nhà hai đứa chỉ cách nhau tầm 7 phút đi xe, chúng tôi vẫn hạn chế gặp mặt để đảm bảo an toàn mùa dịch.
Vì không thường xuyên gặp gỡ, cả tôi và anh đều cố gắng nhắn tin nhiều hơn để luôn cảm thấy được gần đối phương. Thi thoảng, chúng tôi gọi video call để hẹn hò qua màn hình điện thoại.
Cách đây 5 tháng, tôi và người yêu có nhận nuôi một bé mèo con và đặt tên là Bum. Bum như sợi dây liên kết mới giữa hai đứa vậy. Giống việc ba mẹ cùng chăm sóc một em bé, chúng tôi thường cập nhật tình hình của Bum cho nhau.
Tuy ở hai nhà nhưng từng việc nhỏ của bé mèo như ngủ ra sao, ăn chưa, đang chơi trò gì,... đều được người yêu tôi chụp ảnh gửi qua.
Chúng tôi có thể trò chuyện về Bum suốt ngày. Nhờ vậy, thời gian giãn cách với hai đứa cũng bớt buồn chán hơn.
Trước khi có dịch, cả hai vẫn thường đưa bé mèo ra ngoài chơi cùng. Hy vọng sau giãn cách, chúng tôi có thể thực hiện một chuyến dã ngoại, hít thở không khí trong lành với nhau.
Chúng tôi kết hôn vào năm 2019. Sau đó anh trở về Mỹ để tiếp tục việc học. Từ sau Tết 2020 đến nay, chúng tôi không gặp lại nhau vì dịch Covid-19.
4 năm yêu xa trước khi cưới, thêm 2 năm nay vẫn chưa được đoàn tụ, chúng tôi dần học cách cảm thông với nhau nhiều hơn. Chưa bao giờ chúng tôi giận nhau quá 3 tiếng. Điều này đã trở thành quy tắc ngầm giữa tôi và chồng.
Với tôi, nguồn gốc của mâu thuẫn hầu hết đến từ việc thiếu giao tiếp và nhường nhịn nhau. Tôi là người nóng nảy, mỗi khi tôi tức giận, anh sẽ là người im lặng, chờ tôi nguôi ngoai mới nói tiếp.
Vì gặp nhau hoàn toàn qua chiếc điện thoại, chúng tôi hạn chế tắt máy để giữ kết nối với nhau 24/7. Có lần tôi giận đến mức cúp máy ngang, anh cũng kiên quyết gọi lại đến khi tôi nghe mới thôi.
Về phần tôi, thời gian khó khăn này là cơ hội để tôi rèn luyện tính cách và thay đổi suy nghĩ của mình, biết sống vì gia đình nhỏ của hai đứa hơn.
Hiện chúng tôi vẫn đang đếm từng ngày mong dịch qua đi để gặp lại nhau.
Tôi và chồng vốn rất thích đi chơi, hẹn hò cà phê, đi xem phim, du lịch. Vậy mà từ sau khi giãn cách, tôi hầu như không ra đường còn chồng đi làm xong là về thẳng nhà ngay.
Đã lâu lắm rồi chúng tôi không dạo phố buổi tối nữa.
Dù vậy, dịch không làm cho cuộc sống của chúng tôi bớt vui. Nhiều người bảo vợ chồng gặp nhau nhiều sẽ chán, nhưng tôi và anh thì chỉ ước một ngày có nhiều hơn 24h để làm mọi việc cùng nhau.
Tôi nghĩ bí quyết để vượt qua mùa dịch này là vợ chồng nên vui vẻ từ những điều nhỏ nhất thay vì để hoàn cảnh chi phối.
Không hẹn hò ngoài rạp được, chúng tôi xem lại những bộ phim cũ mà hai đứa đều thích.
Sau bữa cơm tối, chúng tôi sẽ nằm nghe nhạc hoặc mở một vài clip hài để giải trí trước khi ngủ. Cuối tuần, cả hai sẽ cùng quét dọn nhà cửa, sắp xếp lại phòng ốc cho gọn gàng.
Tôi vừa tốt nghiệp năm ngoái, chuẩn bị đi dạy tiếng Anh thì dịch bùng phát. Vì con cũng mới hơn 1 tuổi thôi nên tôi quyết định ở nhà chăm sóc bé để đảm bảo an toàn.
Với chúng tôi, có con là một trải nghiệm hoàn toàn mới phải vừa học, vừa thực hành. Ở nhà trọn thời gian, mọi hoạt động kể cả việc ăn, ngủ của hai vợ chồng đều phải theo lịch của bé.
Hiểu tôi vất vả, anh luôn cố gắng phụ giúp tôi khi có thể. Nếu tôi nấu đồ ăn cho con, anh sẽ là người ru bé ngủ buổi tối, thay tã.
Tất nhiên vợ chồng ở với nhau sẽ có những lúc chưa hiểu ý, xảy ra khúc mắc. Những lần như vậy, chúng tôi thường ngồi xuống nói chuyện và giải quyết triệt để.
Hơn nữa, từ khi có em bé, chúng tôi ưu tiên con và gia đình nhỏ của mình lên trên mọi thứ.
Hai vợ chồng hạn chế tranh luận trước mặt con. Đồng thời nhường nhịn và chia sẻ từng dự định riêng của nhau để lắng nghe ý kiến đối phương.