Bóng đá Việt thời lạm phát: Lỗi của các ông bầu
Giống như mặt trái của cơ chế thị trường, bóng đá Việt Nam sau 10 năm khoác lên mình tấm áo gọi là chuyên-nghiệp đã tăng trưởng quá nóng, tạo ra rất nhiều chuyện bất cập xung quanh vấn đề tiền bạc.
>>Các 'ông bầu' thống nhất không tổ chức Super Liga
>>Bầu Đức: 'Đội Bình Dương không thể nhiều tiền hơn tôi'
>>Bầu Trường: 'Tôi băn khoăn nên làm bóng đá hay nghỉ!'
Từ tiền chuyển nhượng, lót tay cho đến lương, thưởng của các cầu thủ đều bị coi là lạm phát, vượt xa khỏi giá trị thực. Vấn đề này có thể giải quyết thế nào nếu nhìn từ góc độ của các CLB, BTC V-League cũng như từ các giải đấu quốc tế?
Phải khẳng định ngay rằng việc để xảy ra tình trạng lạm phát giá trị của bóng đá Việt Nam trước tiên là do lỗi của CLB, của những ông bầu làm bóng đá với tư tưởng “mì ăn liền”.
Sau thành công của bầu Đức với HAGL (thành công trong cả bóng đá lẫn thương trường), đã có rất nhiều ông chủ nhảy vào cuộc chơi bóng banh, có thể kể ra đây bầu Thụy (Sài Gòn Xuân Thành), bầu Hiển (Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng), bầu Trường (V. Ninh Bình), bầu Tuấn (Hòa Phát Hà Nội)….
Các ông bầu khiến V-League phát triển quá nóng |
Và sẽ chẳng có điều gì đáng nói nếu các ông bầu không ôm tư tưởng phải thành công nhanh chóng, thành công bằng mọi giá. Để thực hiện mục tiêu ấy, chẳng có cách nào khác các nhà tài phiệt phải dốc tiền ra mà chiêu binh, mãi mã; dốc tiền mà thưởng đậm để cầu thủ đá bốc. Thậm chí, cá biệt có những đội bóng khi thành lập phải mua toàn bộ cầu thủ như Navibank Sài Gòn, V.Ninh Bình, Sài Gòn Xuân Thành…
Trong khi đó, cầu thủ Việt Nam tuy mang tiếng là chuyên nghiệp nhưng "chuyên nghiệp thì ít, tinh quái, ma mãnh thì nhiều”. Ban đầu tiền thưởng của ông bầu chỉ mang tính chất khích lệ, động viên quân tướng, nhưng về sau thưởng nhiều thành quen. Các cầu thủ nghiễm nhiên coi đó là một khoản thu nhập cứng phải có, và bắt đầu vòi vĩnh, đòi hỏi. Không thưởng hay thưởng ít thì không chịu đá. Hệ quả là 2 cái tên phải chia tay V-League mùa này HN.ACB và ĐT.LA chính là các đội bóng có quỹ lương thưởng thấp nhất. Còn X.Hải Phòng – đội treo thưởng 10 tỷ cho 4 trận đấu cuối, thì lại trụ hạng thành công. Ngay cả các ngoại binh khi đến với V-League, sống trong môi trường “lắm người nhiều ma” cũng thường nhanh chóng hóa cáo.
Chính trào lưu các ông bầu lắm tiền nhiều của đua nhau làm bóng đá ấy đã khiến việc chuyển nhượng các cầu thủ thực sự bị biến thành một cuộc đấu giá, đọ tiền. Kết quả là khiến giá trị cầu thủ bị đẩy lên một cách vô tội vạ. Thế mới có chuyện mới đây bầu Đức phải phàn nàn: “Cầu thủ bây giờ nhiều đứa càng lớn càng… mất dạy, Yêu sách đủ trò. Không treo thưởng cao không đá. Tiền đạo tôi ấy, nuôi từ nhỏ đòi trả 3 tỷ thống nhất ở lại rồi. Thế mà Bình Dương trả 8 tỷ anh ta đi”.
Nói một cách khác chính các ông bầu đã góp phần không nhỏ làm hư cầu thủ, tạo ra quả bong bóng giá trị như hiện nay. Nếu tất cả các ông bầu đều chấp nhận chơi sòng phẳng, chơi đẹp thống nhất không đi đêm, không lót tay thật đậm để chộp giật cầu thủ của nhau, để đua thành tích một cách ăn xổi thì chắc chắn chẳng có chuyện: “Tôi nhẩm tính thử có CLB bỏ cả 100 tỷ một mùa. CLB bạn tôi ở Thái Lan chỉ 1 đến 1,5 triệu USD, còn ở Việt Nam có khi bỏ 3 đến 4 triệu USD” (theo bầu Thắng của ĐTLA).
Những cầu thủ như Việt Thắng, Như Thành... luôn bị thổi giá quá cao so với thực tế |
Thực tế, việc sử dụng quân của các ông bầu V-League có rất nhiều điểm chỉ có ở Việt Nam. Thông thường ở các giải đấu lớn hàng đầu thế giới (mô hình chuyên nghiệp thực sự) vấn đề tiền lương, thưởng thường được quy định rất rõ khi kí hợp đồng hoặc ở đầu mùa giải. Theo đó, nếu CLB đạt mốc thành tích này thì cầu thủ sẽ được thưởng bao nhiêu, đạt mốc thành tích kia thì được thưởng bao nhiêu. Tùy trường hợp và khả năng đàm phán mà các cầu thủ sẽ cài được vào hợp đồng quy định nếu ghi bàn; có đường chuyền quyết định; hay có khi chỉ là ra sân thi đấu sẽ được thưởng bao nhiêu tiền. Tóm lại, mọi thứ rất rõ ràng, quy củ, giấy trắng mực đen, chứ không phải tùy hứng sau từng trận đấu như các ông bầu V-League.
Còn một nghịch lý nữa là ở nước ngoài khoản phí lót tay khi kí hợp đồng và thưởng đối với các cầu thủ luôn thấp hơn rất nhiều lần so với thu nhập từ lương. Điều đó giúp cho những khoản tiền này thực sự chỉ mang tính động viên cầu thủ.
Ngược lại, ở Việt Nam lương khủng như Công Vinh cỡ 50-70 triệu/tháng cũng chẳng ăn nhằm gì với khoản phí lót tay hàng tỷ đồng khi đáo hạn hợp đồng (kể cả khi đã trích % cho cò). Thế mới nảy sinh ra lỗ hổng: cầu thủ “làm hàng”, phá bĩnh đòi ra đi để “ăn” khoản lót tay khổng lồ. Thử nhẩm tính một ngôi sao chỉ cần 3 năm nhảy 2 CLB là đã có thể ung dung đút túi cả chục tỷ đồng. Vậy thì đâu còn nhiều động lực để mà thi đấu hay phấn đấu gì nữa?
Để kết lại bài viết dông dài này xin phép sử dụng sự so sánh đầy chua xót của bầu Đức: “Một trận bóng đá tốn 3 tỷ bạc nhưng thu lại được gì khi sân bóng lưa thưa vài chục khán giả”. Hơn ai khác chính những ông bầu có phải trách nhiệm nhìn lại mình để cân nhắc về sự phí phạm đó, nhất là trong bối cảnh trên dải đất chữ S này vẫn còn rất nhiều mảnh đời cần giúp đỡ…
Đón đọc Kì 2: VFF có sạch “tội”?
Tuệ Minh
Theo Bưu điện Việt Nam