Bố tôi năm nay 72 tuổi và cũng đã sang năm thứ 2 từ lúc mẹ tôi đi xa. Bố và anh chị em tôi thường trêu nhau không biết bây giờ mẹ làm gì. Vì vốn mẹ tôi là người tham việc, nhất là buôn bán.
Hồi tôi sắp cưới, mẹ ra nhà chồng tôi thăm chơi nhà. Bà bảo yên tâm rồi, vì với bà, nhà cạnh chợ là không lo thất nghiệp.
Năm nay, tôi khởi nghiệp bán đồ theo đam mê tôi thích là hoa lụa và đồ trang trí Tết. Bố tư vấn, bảo tôi cứ làm theo ý thích xem thế nào, nếu bán được sau sẽ mở rộng thêm.
Hôm trước có sản phẩm mới ra lò, việc đầu tiên là tôi khoe ngay với bố để được "chấm điểm".
"Đẹp lắm. Bố chúc thành công", ông nhắn.
Ai chẳng thích được khen, nên thấy bố bảo vậy, tôi vui lắm và đáp: "Con yêu bố nhất trên đời. Gửi nghìn trái tim tới bố".
Vừa gửi tin, tôi có thể tưởng tượng được vẻ mặt ngại ngùng của bố khi cô con gái nói lời yêu thương. Trước giờ ông vốn ít nói, những lúc chia sẻ, tâm sự nhiều nhất là về chuyện những ngày còn ở chiến trường.
Hồi trước, tôi thường gọi điện mỗi tối cho mẹ tâm sự. Từ khi bà mất, tôi vẫn gọi về đều, thấy bố ít nói hơn hẳn, nhưng vẫn là người luôn lắng nghe, ủng hộ tôi.
Lần khởi nghiệp này chưa biết kết quả thế nào, nhưng tôi thấy hạnh phúc lắm, bởi có bố luôn ở đó ủng hộ, cổ vũ tôi. Và dù biết bố sẽ ngại ngùng nhưng tôi sẽ chăm chỉ nói lời yêu thương nhiều hơn nữa với bố, để bố biết tôi yêu ông đến nhường nào.
(Thảo Vy, Ninh Bình)
Sau đại dịch, nhiều khách hàng chán ngấy thời gian phải giải trí trên màn hình và tìm đến mua sách ở cửa hàng theo cách truyền thống. Với cửa hàng mới, không gian sẽ được phân chia, có khu vực đọc sách và nơi bán nước giải khát, cà phê. Riêng tại Mỹ, trong năm qua, hơn 300 hiệu sách độc lập mới mọc lên khắp cả nước, trong một sự hồi sinh đáng ngạc nhiên và đáng hoan nghênh sau thời kỳ đầu suy thoái do đại dịch.